Cách đọc thông tin trong mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới nhất 2024: Chi tiết trang 1, trang 2
Nội dung chính
Tải mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới nhất 2024
Sổ đỏ, sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân. Theo cách gọi đúng về quy định pháp luật là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Mẫu sổ đỏ, sổ hồng được thực hiện theo Mẫu số 04/ĐK-GCN của Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
Mẫu sổ đỏ, sổ hồng 04/ĐK-GCN tại đây
Cách đọc thông tin trong mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới nhất 2024: Chi tiết trang 1, trang 2 (Ảnh từ Internet)
Cách đọc thông tin trong Mẫu Sổ đỏ, sổ hồng mới nhất 2024: Chi tiết trang 1, trang 2
Căn cứ theo Điều 29 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất còn được gọi là mẫu sổ đỏ, sổ hồng (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) gồm 01 tờ và có 02 trang như sau:
TRANG 1
Quốc huy, Quốc hiệu;
Dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ;
Mã QR; mã Giấy chứng nhận;
Mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:”: (Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT)
- Thể hiện các thông tin: “Ông” hoặc “Bà”, họ và tên, quốc tịch, tên và số giấy tờ nhân thân đối với cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT
- Đối với vợ và chồng có chung tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thể hiện các thông tin: “Bà” hoặc “Ông”, họ và tên, tên và số giấy tờ nhân thân của vợ hoặc chồng và thể hiện: “và chồng (hoặc vợ):... (thể hiện thông tin của chồng (hoặc vợ))”.
+ Trường hợp có thoả thuận của vợ và chồng đồng ý ghi tên vợ hoặc tên chồng là đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận thì thể hiện: “Bà” hoặc “Ông”, họ và tên, tên và số giấy tờ nhân thân, tiếp theo thể hiện: “là đại diện cho vợ và chồng”
- Đối với tổ chức thì thể hiện tên của tổ chức theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT và thông tin giấy tờ pháp nhân của tổ chức theo quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 3 Điều 12 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
+ Đối với tổ chức trong nước thì thể hiện thông tin: Tên giấy tờ; số và ngày tháng năm cấp giấy tờ, cơ quan cấp giấy tờ về việc thành lập, công nhận/đăng ký kinh doanh của tổ chức làm cơ sở xác định tên gọi của tổ chức đó.
+ Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài, thể hiện: Tên giấy tờ (giấy phép đầu tư/giấy đăng ký kinh doanh/một trong các loại giấy tờ khác thể hiện pháp nhân); số, ngày ký và cơ quan ký giấy tờ.
+ Đối với tổ chức nước ngoài có chức năng về ngoại giao, thể hiện: Tên văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao đất/cho thuê đất/thành lập, cho phép hoạt động của tổ chức/văn bản đã ký giữa hai Chính phú; số, ngày ký và cơ quan ký giấy tờ.
+ Đối với tổ chức nước ngoài được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam, thể hiện: Tên giấy tờ (Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/giấy tờ do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động ở Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm giao kết giao dịch về nhà ở); số, ngày ký và cơ quan ký giấy tờ.
+ Đối với các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, thể hiện: Thông tin về giấy tờ đăng ký hoạt động/giấy tờ của cơ quan thẩm quyền về công nhận tổ chức tôn giáo, tôn giáo trực thuộc.
- Đối với cộng đồng dân cư thì thể hiện tên gọi của cộng đồng dân cư.
- Có 02 trường hợp nhóm người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất mà Giấy chứng nhận được cấp đối với từng người như sau:
+ Trường hợp cấp Giấy chứng nhận cấp cho từng thành viên:
Thể hiện trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận theo khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
Sau đó ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) với người khác”.
Mã QR trên Giấy chứng nhận sẽ thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
+ Trường hợp chỉ cấp 01 Giấy chứng nhận cho người đại diện:
Giấy chứng nhận sẽ ghi thông tin của người đại diện theo khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
Dòng tiếp theo ghi: “là đại diện cho những người cùng sử dụng đất” hoặc “là đại diện cho những người cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất”.
Mã QR trên Giấy chứng nhận sẽ thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
- Cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình sử dụng đất:
+ Trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình đang sử dụng đất thì ghi đầy đủ thông tin của các thành viên theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
+ Trường hợp không ghi được hết thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận thì ghi thông tin một hoặc một số thành viên. Tiếp theo ghi “và các thành viên khác có chung quyền sử dụng đất của hộ được thể hiện tại mã QR”.
+ Trường hợp các thành viên có thoả thuận ghi tên đại diện trên Giấy chứng nhận thì ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, tiếp theo ghi “là đại diện cho các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình”.
+ Tại mã QR của Giấy chứng nhận thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất.
- Trường hợp Giấy chứng nhận cấp cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà không có quyền sử dụng đất thì thể hiện thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận theo nội dung mục 1 trên trừ trường hợp hộ gia đình sử dụng đất.
- Nhiều người được thừa kế mà chưa phân chia thừa kế cho từng người có 02 trường hợp sau:
+ Trường hợp có nhiều người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa phân chia thừa kế cho từng người và Giấy chứng nhận được cấp cho từng người thừa kế thì:
Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin của người được cấp Giấy chứng nhận theo khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
Sau đó ghi tiếp “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) với người được thừa kế khác”.
Mã QR trên Giấy chứng nhận sẽ thể hiện đầy đủ thông tin của những người thừa kế.
+ Trường hợp những người thừa kế cấp 1 Giấy chứng nhận cho người đại diện:
Trên Giấy chứng nhận sẽ ghi thông tin của người đại diện theo khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
Dòng tiếp theo ghi “là đại diện cho những người được thừa kế”.
Mã QR trên Giấy chứng nhận sẽ thể hiện đầy đủ thông tin của những người thừa kế.
Mục “2. Thông tin thửa đất:”: (Điều 33 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT)
- Số thửa đất và số tờ bản đồ
- Diện tích thửa đất.
- Loại đất.
- Thời hạn sử dụng đất.
- Hình thức sử dụng đất.
- Địa chỉ.
- Các thông tin được thể hiện tại mã QR của Giấy chứng nhận.
Mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất:”: (Điều 34 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT)
- Tên tài sản.
- Diện tích sử dụng.
- Hình thức sở hữu.
- Thời hạn sở hữu.
- Địa chỉ; trường hợp địa chỉ của tài sản gắn liền với đất trùng với địa chỉ của thửa đất thì không thể hiện địa chỉ tài sản trên Giấy chứng nhận.
- Trường hợp tài sản là nhà chung cư hoặc công trình xây dựng mà cấp Giấy chứng nhận cho một số căn hộ hoặc một số hạng mục công trình hoặc một số phần diện tích của hạng mục công trình thì thể hiện như sau:
+ Tên tài sản: thể hiện tên nhà chung cư hoặc công trình xây dựng.
+ Dòng tiếp theo ghi “Thông tin chi tiết của các tài sản được thể hiện tại mã QR của Giấy chứng nhận”;
+ Thông tin chi tiết về tài sản được thể hiện tại mã QR của Giấy chứng nhận
- Trường hợp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận mà thửa đất không có tài sản gắn liền với đất hoặc không có nhu cầu chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện chứng nhận quyền sở hữu hoặc tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người khác thì mục thông tin tài sản gắn liền với đất thể hiện bằng dấu “-/-“.
- Các thông tin tại mục 3 này được thể hiện tại mã QR trên Giấy chứng nhận.
Địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận
Số phát hành Giấy chứng nhận (số seri)
Dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”
TRANG 2
Mục “4. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất:” (Điều 39 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT)
- Sơ đồ thửa đất bao gồm:
+ Số thứ tự thửa đất, diện tích, hình thể thửa đất, tọa độ đỉnh thửa, chiều dài các cạnh thửa.
+ Số hiệu thửa giáp ranh hoặc tên công trình giáp ranh, chỉ dẫn hướng Bắc - Nam.
+ Chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới, mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình trên thửa đất được thể hiện bằng đường nét đứt xen nét chấm kèm theo ghi chú loại chỉ giới, mốc giới.
+ Trường hợp thửa đất có phần diện tích đất sử dụng riêng của một người và phần diện tích đất sử dụng chung của nhiều người thì thể hiện ranh giới giữa các phần diện tích đất bằng đường nét đứt xen nét chấm, kèm theo ghi chú thích theo mục đích của đường ranh giới đó.
Trường hợp đất có nhà chung cư hoặc công trình xây dựng không phải là nhà ở mà diện tích đất sử dụng chung của các chủ sở hữu là một phần diện tích của thửa đất thì phải thể hiện phạm vi ranh giới phần đất sử dụng chung đó.
- Sơ đồ nhà ở và công trình xây dựng bao gồm:
+ Sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng được thể hiện bằng đường nét đứt liên tục trên sơ đồ thửa đất tại vị trí tương ứng với thực địa; trường hợp đường ranh giới nhà ở, công trình xây dựng trùng với ranh giới thửa đất thì thể hiện theo ranh giới thửa đất.
+ Sơ đồ nhà ở (trừ căn hộ chung cư), công trình xây dựng thể hiện phạm vi ranh giới xây dựng (là phạm vi chiếm đất tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao) của nhà ở, công trình xây dựng.
+ Trường hợp căn hộ chung cư thì thể hiện sơ đồ mặt bằng của tầng nhà chung cư có căn hộ; trong đó thể hiện vị trí, hình dáng mặt bằng theo tường bao ngoài của căn hộ (không thể hiện từng phòng trong căn hộ), ký hiệu (mũi tên) cửa ra vào căn hộ, kích thước các cạnh của căn hộ.
- Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất thể hiện trên Giấy chứng nhận được căn cứ vào kích thước thửa đất, tài sản gắn liền với đất và có thể phóng to hoặc thu nhỏ theo tỷ lệ đồng dạng để thể hiện cho phù hợp.
Mục “5. Ghi chú:” (Điều 40 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT)
- Thông tin về miễn, giảm nghĩa vụ tài chính, ghi nợ tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ.
- Thông tin về hạn chế quyền sử dụng đất của cá nhân là người dân tộc thiểu số.
- Trường hợp chủ sở hữu tài sản không có quyền sử dụng đất thì thể hiện như sau: “Người được cấp Giấy chứng nhận không có quyền sử dụng đất”.
Mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:” (Điều 41 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT)
Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận
Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận
Như vậy, trên đây là chi tiết cách đọc thông tin sổ đỏ, sổ hồng mới nhất 2024.
Giấy chứng nhận đã cấp bị thu hồi trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 152 Luật Đất đai 2024 quy định Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:
- Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp;
- Cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp;
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp giấy chứng nhận;
- Giấy chứng nhận đã cấp bị Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy;
- Trường hợp đấu giá, giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan thi hành án mà người phải thi hành án không nộp giấy chứng nhận đã cấp.
Như vậy, Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp theo như quy định trên.