Các lĩnh vực nào được ưu tiên sắp xếp các công trình trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp?
Nội dung chính
Các lĩnh vực nào được ưu tiên sắp xếp các công trình trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp?
Căn cứ tiểu mục b Mục 1 Công điện 68/CĐ-TTg năm 2025 quy định như sau:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Chủ động thực hiện sắp xếp, điều hòa các cơ sở nhà, đất trong nội bộ Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để bảo đảm trụ sở làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong quá trình thực hiện tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; hoàn thành trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính được phê duyệt.
b) Căn cứ thực tế biên chế, số lượng thực tế cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp để tổ chức rà soát, đánh giá các công trình trụ sở hiện hữu thuộc phạm vi quản lý để sắp xếp lại, bố trí, sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng đảm bảo hiệu quả; ưu tiên sắp xếp, bố trí cho y tế, giáo dục, văn hóa cộng đồng; có phương án, kế hoạch quản lý, xử lý sắp xếp ngay các trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và tài sản công, không để thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
c) Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá những công trình, dự án trụ sở đang thi công để xem xét, có biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể theo thẩm quyền và quy định pháp luật; xem xét, thực hiện thủ tục dừng kỹ thuật các hạng mục không thể tiếp tục triển khai thi công để tổ chức nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng và thanh quyết toán theo quy định. Tuyệt đối không để lãng phí ngân sách nhà nước, phát sinh khiếu kiện.
[...]
Như vậy, các lĩnh vực được ưu tiên sắp xếp, bố trí các công trình trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp là:
- Y tế
- Giáo dục
- Văn hóa cộng đồng
Các lĩnh vực nào được ưu tiên sắp xếp các công trình trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp? (Hình từ Internet)
Trụ sở làm việc được giải thích như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định trụ sở làm việc là đất, nhà làm việc và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.
Người có thẩm quyền quyết định thu hồi trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định như sau:
Điều 41. Thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Tài sản công bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng;
b) Được Nhà nước giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế;
c) Tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn;
d) Chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định;
đ) Tài sản đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ;
e) Phải thay thế do yêu cầu đổi mới kỹ thuật, công nghệ theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;
g) Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại tài sản cho Nhà nước;
h) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
[...]
Theo đó, trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng là trường hợp tài sản công tại cơ quan nhà nước bị thu hồi.
Căn cứ Điều 17 Nghị định 151/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 50/2025/NĐ-CP quy định thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định như sau:
Điều 17. Thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công
Thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 41 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được quy định như sau:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định thu hồi đối với tài sản công của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Như vậy, người có thẩm quyền quyết định thu hồi trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng là:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương đối với trụ sở thuộc cơ quan nhà nước do bộ, ngành trung ương quản lý;
- Cơ quan do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định đối với trụ sở thuộc cơ quan nhà nước do địa phương quản lý.