Các khoản phụ cấp nào của giáo viên bị bãi bỏ? Hệ thống giáo dục quốc dân gồm các cấp nào?

Từ ngày 01/7/2024, các khoản phụ cấp nào của giáo viên bị bãi bỏ? Hệ thống giáo dục quốc dân gồm các cấp nào? Ngôn ngữ nào được dùng là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục?

Nội dung chính

    Từ ngày 01/7/2024, các khoản phụ cấp nào của giáo viên bị bãi bỏ?

    Căn cứ điểm d khoản 3.1 Tiểu mục 3 Mục 2 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định về cải cách tiền lương đối với các khoản phụ cấp giáo viên như sau:

    QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG CẢI CÁCH

    3. Nội dung cải cách

    3.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)

     

    d) Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương

    - Tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).

    - Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

    - Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

    ...

    Như vậy, sau khi cải cách tiền lương từ 01/7/2024, giáo viên sẽ không còn được nhận 04 khoản phụ cấp sau, bao gồm:

    - Phụ cấp thâm niên nghề cho giáo viên;

    - Phụ cấp chức vụ đối với hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn các trường mầm non, phổ thông;

    - Phụ cấp công vụ: các khoản phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội đối với giáo viên kiêm nhiệm công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội;

    - Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với giáo viên dạy thực hành, tích hợp, ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nhân viên thư viện, thiết bị,…công tác có yếu tố độc hại, nguy hiểm theo quy định.

    Ngoài ra, cải cách tiền lương từ 01/7/2024 sẽ gộp các khoản phụ cấp sau:

    - Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...).

    - Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

    Từ ngày 01/7/2024, các khoản phụ cấp nào của giáo viên bị bãi bỏ? Hệ thống giáo dục quốc dân gồm các cấp nào? (Hình từ Internet)

    Hệ thống giáo dục quốc dân gồm các cấp nào?

    Căn cứ Điều 6 Luật Giáo dục 2019 quy định hệ thống giáo dục quốc dân:

    Hệ thống giáo dục quốc dân

    ...

    2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

    a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

    b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;

    c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

    d) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

    ...

    Theo quy định trên, hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, bao gồm:

    - Giáo dục mầm non

    - Giáo dục phổ thông

    - Giáo dục nghề nghiệp

    - Giáo dục đại học

    Ngôn ngữ nào được dùng là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục?

    Căn cứ Điều 11 Luật Giáo dục 2019 quy định ngôn ngữ, chữ viết dùng trong cơ sở giáo dục:

    Ngôn ngữ, chữ viết dùng trong cơ sở giáo dục

    1. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

    2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu, người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo quy định của Luật Người khuyết tật.

    3. Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm để người học được học liên tục, hiệu quả.

    Như vậy, ngôn ngữ được dùng là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục là tiếng Việt.

    6