Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp thì được hỗ trợ đào tạo nghề như thế nào?
Nội dung chính
Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ những gì khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp?
Theo Điều 3 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp mà có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó, trừ các trường hợp sau đây:
- Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
- Người hưởng lương hưu;
- Người nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
- Người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Đồng thời, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 108 Luật Đất đai 2024 thì cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp khi bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ như sau:
- Hỗ trợ ổn định đời sống;
- Hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh;
- Hỗ trợ di dời vật nuôi;
- Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm;
- Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 111 Luật Đất đai 2024;
- Hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời theo quy định tại khoản 3 Điều 105 Luật Đất đai 2024;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp cho từng dự án cụ thể.
Hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp ( Hình từ Internet)
Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề như thế nào?
Theo điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 109 Luật Đất đai 2024 thì cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho, được công nhận quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền thì được hỗ trợ như sau:
- Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.
- Hỗ trợ bằng hình thức đào tạo nghề theo quy định tại khoản 4 Điều 109 Luật Đất đai 2024.
Như vậy, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho, được công nhận quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền thì được hỗ trợ bằng tiền hoặc bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất thu hồi như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 109 Luật Đất đai 2024 thì cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
có đất thu hồi sẽ được hỗ trợ bằng hình thức đào tạo nghề theo quy định tại khoản 4 Điều 109 Luật Đất đai 2024.
Dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 109 Luật Đất đai 2024 thì việc đào tạo nghề cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất thu hồi được thực hiện như sau:
(1) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho người có đất thu hồi theo Điều 5 Quyết định 12/2024/QĐ-TTg như sau:
- Người có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng
- Người có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ học phí cho một khóa học. Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên
- Người có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trung cấp, cao đẳng được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên. Phương thức cho vay, mức vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, hồ sơ và trình tự, thủ tục cho vay thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Lưu ý: Người có đất thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề một lần.
(2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ cơ chế, chính sách đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định và điều kiện thực tế tại địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với từng đối tượng được hỗ trợ và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quy định tại điểm c khoản 4 Điều 109 Luật Đất đai 2024.
(3) Căn cứ kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo nghề tại địa phương. Phương án đào tạo nghề được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong quá trình lập phương án đào tạo nghề, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tổ chức lấy ý kiến và có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của người có đất thu hồi.