Bồi thường thế nào khi phương tiện phải cập bến gần nhất do luồng chạy tàu thuyền bị ách tắc trên đường thủy nội địa?
Nội dung chính
Bồi thường thế nào khi phương tiện phải cập bến gần nhất do luồng chạy tàu thuyền bị ách tắc trên đường thủy nội địa?
Bồi thường khi phương tiện phải cập bến gần nhất do luồng chạy tàu thuyền vận tải bị ách tắc trên đường thủy nội địa được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 17 Thông tư 80/2014/TT-BGTVT về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa. Cụ thể là:
Nếu xét thấy phải chờ đợi lâu, ảnh hưởng tới chuyến đi và sức khỏe hành khách thì người vận tải phải đưa phương tiện đến bến gần nhất, tổ chức đưa hành khách, hành lý lên bờ; giúp hành khách đi tiếp bằng phương tiện khác. Người kinh doanh vận tải chỉ được thu tiền vé và cước quãng đường thực tế phương tiện đã đi;
Căn cứ quy định đã trích dẫn trên đây thì khi phương tiện phải cập bến gần nhất do luồng chạy tàu thuyền vận tải bị ách tắc, đơn vị kinh doanh vận tải (cụ thể là thuyền viên) phải có nghĩa vụ đưa hành khách, hành lý lên bờ và giúp hành khách đi tiếp bằng các phương tiện khác như xe khách, xe đò, xe ôm, .... Đơn vị kinh doanh vận tải được thu tiền vé, tiền cước đối với quãng đường tương ứng mà hành khách đã đi và phải trả lại số tiền vế, tiền cước đối với quãng đường tương ứng mà hành khách chưa đi.
Ngoài ra, ngoài phương án cho phương tiện phải cập bến gần nhất do luồng chạy tàu thuyền vận tải bị ách tắc trên đường thủy nội địa thì đơn vị kinh doanh vận tải có thể sử dụng các phương án khác (thích hợp nhất) như đợi đến lúc thông luồng, cho phương tiện quay lại bến, cảng xuất phát nếu thấy cần thiết, chuyển tải hành khách, hành lý qua chỗ ách tắc, hành khách có yêu cầu rời phương tiện thì thuyền viên phải tạo điều kiện đưa hành khách lên bờ....
Trên đây là nội dung quy định về bồi thường khi phương tiện phải cập bến gần nhất do luồng chạy tàu thuyền vận tải bị ách tắc trên đường thủy nội địa. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo quy định tại Thông tư 80/2014/TT-BGTVT.