Biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 18 Thông tư 08/2024/TT-BTNMT quy định biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cụ thể như sau:
Việc biên tập, tổng hợp, khái quát hóa nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất của từng cấp bảo đảm yêu cầu sau:
(1) Khoanh đất tổng hợp của bản đồ hiện trạng sử dụng đất được biên tập, tổng hợp như sau:
- Khoanh đất tổng hợp của bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã được thể hiện bằng ranh giới và ký hiệu loại đất (gồm mã và màu loại đất) theo các chỉ tiêu kiểm kê đất đai.
+ Khoanh đất tổng hợp của bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh, các vùng kinh tế - xã hội và cả nước được thể hiện bằng ranh giới và ký hiệu loại đất theo các chỉ tiêu tổng hợp quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 08/2024/TT-BTNMT;
- Ký hiệu loại đất gồm mã và màu loại đất;
- Các khoanh đất trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp phải bảo đảm ranh giới khép kín, không có phần diện tích chồng, hở giữa các khoanh đất. Ranh giới khoanh đất phải được khái quát hóa, làm trơn, bảo đảm diện tích khoanh đất theo tỷ lệ bản đồ như sau:
Tỷ lệ bản đồ | Diện tích khoanh đất trên bản đồ |
Từ 1:1.000 đến 1:10.000 | ≥ 16 mm2 |
Từ 1:25.000 đến 1:100.000 | ≥ 9 mm2 |
Từ 1:250.000 đến 1:1.000.000 | ≥ 4 mm2 |
- Trường hợp khoanh đất có diện tích nhỏ hơn theo quy định nêu trên thì thể hiện bằng ký hiệu tượng trưng là hình chấm tròn có đường kính là 2 mm và theo màu của loại đất cần thể hiện.
+ Riêng đối với các đảo có diện tích nhỏ hơn quy định trên đây thì vẫn phải được thể hiện trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất kèm theo ghi chú tên đảo (nếu có) mà không thực hiện tổng quát hóa;
(2) Đối với đường biên giới, địa giới đơn vị hành chính phải được biên tập bảo đảm yêu cầu nhận biết đối tượng khi in trên giấy; trường hợp đường địa giới các cấp trùng với đối tượng hình tuyến một nét thì đường địa giới cần được thể hiện so le hai bên và cách đường đối tượng hình tuyến 0,2 mm trên bản đồ.
(3) Các yếu tố hình tuyến (sông, suối, kênh mương...) có chiều dài dưới 2 cm trên bản đồ thì được phép loại bỏ; yếu tố hình tuyến có độ rộng dưới 0,5 mm trên bản đồ được biên tập thành 1 nét theo tâm của yếu tố hình tuyến đó.
- Trường hợp đường sắt và đường ô tô đi sát nhau cho phép dịch chuyển vị trí đường ô tô để đảm bảo giữ vị trí đúng cho đường sắt.
- Các yếu tố hình tuyến khi tổng hợp phải bảo đảm giữ được tính chất đặc trưng của đối tượng để phản ánh đúng mật độ, kiểu phân bố, đặc điểm sử dụng; đối với sông suối phải thể hiện được vị trí đầu nguồn, các dòng chảy đặc biệt như suối nước nóng, nước khoáng.
(4) Đối với đường bờ biển khi tổng quát hóa phải bảo đảm giữ được hình dáng đặc trưng của từng kiểu bờ. Đối với khu vực có nhiều cửa sông, bờ biển có dạng hình cong tròn được phép gộp 2 hoặc 3 khúc uốn nhỏ nhưng phải giữ lại các cửa sông, dòng chảy đổ ra biển và các bãi bồi.
(5) Các đối tượng địa lý khác, ghi chú địa danh, tên riêng, thuyết minh tiến hành lựa chọn, cập nhật hoặc loại bỏ đảm bảo phù hợp về mật độ thông tin, khả năng đọc và tính mỹ quan của bản đồ.
(6) Khung bản đồ hiện trạng sử dụng đất được trình bày như sau:
- Đối với bản đồ tỷ lệ 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000 chỉ biểu thị lưới kilômét, với kích thước ô vuông lưới kilômét là 10cm x 10cm;
- Đối với bản đồ tỷ lệ 1:25.000 biểu thị lưới kilômét, với kích thước ô vuông lưới kilômét là 8cm x 8cm;
- Đối với bản đồ tỷ lệ 1:50.000, 1:100.000, 1:250.000 và 1:1.000.000 chỉ biểu thị lưới kinh tuyến, vĩ tuyến với kích thước ô lưới kinh tuyến, vĩ tuyến như sau:
Tỷ lệ bản đồ hiện trạng sử dụng đất | Kích thước ô lưới kinh tuyến, vĩ tuyến |
1:50.000 | 5’x 5’ |
1:100.000 | 10’ x 10’ |
1:250.000 | 20’ x 20’ |
1:1.000.000 | 10 x 10 |
(7) Việc biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất dạng số ngoài việc thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 18 Thông tư 08/2024/TT-BTNMT, còn phải thực hiện theo các yêu cầu:
- Các đối tượng dạng đường phải thể hiện liên tục, không đứt đoạn và chỉ được dừng tại các điểm nút giao nhau giữa các đường thể hiện các đối tượng cùng kiểu;
- Những đối tượng dạng vùng phải thể hiện là các vùng khép kín;
- Các đối tượng dạng điểm phải thể hiện bằng các ký hiệu dạng điểm trong các bộ ký hiệu đã được thiết kế sẵn;
- Các đối tượng trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất phải thể hiện đúng lớp, màu sắc, lực nét và các thông số kèm theo như quy định tại bảng phân lớp đối tượng tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 08/2024/TT-BTNMT.
+ Mỗi khoanh đất phải có một mã loại đất, khi biên tập lược bỏ để in không được xóa mà phải chuyển về lớp riêng để lưu trữ.
Biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 19 Thông tư 08/2024/TT-BTNMT quy định báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất cụ thể như sau:
- Căn cứ pháp lý; mục đích, yêu cầu của việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
- Khái quát về vị trí địa lý của đơn vị hành chính.
- Thời điểm xây dựng và hoàn thành việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
- Các nguồn tài liệu sử dụng và phương pháp, công nghệ lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
- Xác định khu vực đã đo đạc bản đồ địa chính chính quy.
- Đánh giá chất lượng bản đồ hiện trạng sử dụng đất về mức độ đầy đủ, chi tiết và độ chính xác của các yếu tố nội dung.
- Những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
- Kết luận, kiến nghị biện pháp khắc phục hạn chế, tồn tại.
Bản đồ kiểm kê đất đai là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 20 Thông tư 08/2024/TT-BTNMT quy định như sau:
Điều 20. Bản đồ kiểm kê đất đai
1. Bản đồ kiểm kê đất đai là bản đồ thể hiện các khoanh đất khép kín trong một đơn vị hành chính cấp xã, các khoanh đất thể hiện được diện tích theo loại đất, đối tượng sử dụng đất, đối tượng được giao quản lý đất theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 4 Thông tư này.
2. Bản đồ kiểm kê đất đai được lập ở dạng số và được thực hiện theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, bản đồ kiểm kê đất đai là bản đồ thể hiện các khoanh đất khép kín trong một đơn vị hành chính cấp xã, các khoanh đất thể hiện được diện tích theo loại đất, đối tượng sử dụng đất, đối tượng được giao quản lý đất theo quy định.