Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu phải có trách nhiệm chấp hành quyết định giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước không?
Nội dung chính
Thế nào là nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu?
Căn cứ tại khoản 11 Điều 3 Quy chế quản lý, sử dụng nhà ở chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 05/2024/TT-BXD quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
11. Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là nhà chung cư có từ hai chủ sở hữu trở lên, trong đó có phần sở hữu riêng của mỗi chủ sở hữu và có phần sở hữu chung, sử dụng chung của các chủ sở hữu.
...
Ngoài ra, căn cứ tại khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 quy định nhà chung cư như nhau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
3. Nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.
Như vậy, nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là nhà chung cư có từ hai chủ sở hữu trở lên, trong đó có phần sở hữu riêng của mỗi chủ sở hữu và có phần sở hữu chung, sử dụng chung của các chủ sở hữu.
Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu phải có trách nhiệm chấp hành quyết định giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước không?(Hình ảnh Internet)
Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu bao gồm những ai?
Căn cứ quy định tại Điều 146 Luật Nhà ở 2023 thành phần Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu bao gồm:
Ban quản trị nhà chung cư
...
2. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Thành phần Ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không cử đại diện tham gia Ban quản trị nhà chung cư.
...
Vậy nên, đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Thành phần Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu bao gồm:
- Đại diện các chủ sở hữu;
- Người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự;
- Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không cử đại diện tham gia Ban quản trị nhà chung cư.
Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu phải có trách nhiệm chấp hành quyết định giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước không?
Căn cứ theo điểm i khoản 1 Điều 148 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
Trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư
1. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm sau đây:
...
e) Phối hợp với chính quyền địa phương, tổ dân phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong nhà chung cư;
g) Thực hiện đúng quy chế hoạt động, quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua; không được tự miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc bổ sung thành viên Ban quản trị nhà chung cư;
h) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khi thực hiện quyền và trách nhiệm không đúng với quy định tại khoản này;
i) Chấp hành quyết định giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
k) Thực hiện công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái quy định của pháp luật;
l) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
...
Vậy nên, trường hợp đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì ban quản trị nhà chung cư sẽ có trách nhiệm chấp hành quyết định giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ban quản trị nhà chung cư có những quyền gì đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 147 Luật Nhà ở 2023 quy định đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền sau đây:
- Yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì sau khi Ban quản trị nhà chung cư được thành lập và có văn bản đề nghị bàn giao; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì;
- Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định của Luật này và quyết định của Hội nghị nhà chung cư;
- Đề nghị Hội nghị nhà chung cư thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư;
- Được hưởng thù lao trách nhiệm và chi phí khác theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận Ban quản trị nhà chung cư;
- Yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao hồ sơ nhà chung cư; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế bàn giao hồ sơ nhà chung cư;
- Thực hiện công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái quy định của pháp luật.