Ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức ngành GTVT từ ngày 15/7/2024 như thế nào?

Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức ngành GTVT từ ngày 15/7/2024 như thế nào? Có mấy hạng chức danh nghề nghiệp viên chức?

Nội dung chính

    Ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức ngành GTVT từ ngày 15/7/2024 như thế nào?

    Ngày 30/5/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 17/2024/TT-BGTVT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải.

    Theo đó, Thông tư 17/2024/TT-BGTVT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải, bao gồm:

    (1) Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng 2 đối với viên chức chuyên ngành kỹ thuật bến phà.

    (2) Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng 1, hạng 2 đối với viên chức các chuyên ngành:

    - Quản lý dự án hàng hải;

    - Quản lý dự án đường thuỷ;

    - Quản lý dự án đường bộ;

    - Quản lý dự án đường sắt;

    - Kỹ thuật đường bộ;

    - Tìm kiếm cứu nạn hàng hải;

    - Thông tin an ninh hàng hải;

    - Cảng vụ đường thuỷ nội địa;

    - Cảng vụ hàng hải;

    - Cảng vụ hàng không;

    - Đăng kiểm.

    Ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức ngành GTVT từ ngày 15/7/2024 như thế nào? (Hình từ Internet)

    Tiêu chuẩn, điều kiện chung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành GTVT từ ngày 15/7/2024 là gì?

    Tại Điều 3 Thông tư 17/2024/TT-BGTVT có quy định tiêu chuẩn, điều kiện chung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành GTVT bao gồm:

    - Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

    - Có vị trí việc làm còn thiếu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được xét thăng hạng.

    - Được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

    - Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề, cụ thể như sau:

    + Viên chức được xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng 1 có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng II và tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng;

    + Viên chức được xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng 2 có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giao thông vận tải hạng 3 và tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.

    Nguyên tắc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là gì?

    Tại Điều 31 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 38 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP có quy định về nguyên tắc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức như sau:

    - Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    - Viên chức được đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật.

    - Kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

    Có mấy hạng chức danh nghề nghiệp viên chức?

    Tại Điều 28 Nghị định 115/2020/NĐ-CP có quy định chức nghề nghiệp viên chức như sau:

    Chức danh nghề nghiệp viên chức

    1. Quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức bao gồm các nội dung sau:

    a) Tên của chức danh nghề nghiệp;

    b) Nhiệm vụ bao gồm những công việc cụ thể phải thực hiện có mức độ phức tạp phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp;

    c) Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp;

    d) Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng;

    đ) Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

    2. Căn cứ vào mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp, các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp được xếp hạng từ cao xuống thấp như sau:

    a) Chức danh nghề nghiệp hạng I;

    b) Chức danh nghề nghiệp hạng II;

    c) Chức danh nghề nghiệp hạng III;

    d) Chức danh nghề nghiệp hạng IV;

    đ) Chức danh nghề nghiệp hạng V.

    Như vậy, có 5 hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được xếp hạng từ cao xuống thấp từ hạng 1 đến hạng 5 theo mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp, các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp.

    15