Việc bố trí em trai của Phó Chủ tịch UBND xã làm cán bộ địa chính - xây dựng của UBND xã
Nội dung chính
Do đồng chí Chủ tịch UBND xã P được luân chuyển lên UBND huyện nhận nhiệm vụ mới chuyên viên của UBND huyện được điều động về bổ sung cho xã P. Hội đồng nhân dân xã đã tổ chức việc bầu bổ sung và tháng 8-2006, anh V được bầu làm Chủ tịch UBND xã P. Khi về nhận nhiệm vụ mới, anh V biết được rằng ông B, Phó Chủ tịch UBND xã có em trai là anh S đang làm cán bộ địa chính của xã. Anh S là cán bộ trẻ, được Đảng uỷ đánh giá là có năng lực, đã học xong chương trình trung cấp địa chính và được tuyển dụng về làm cán bộ địa chính đã hơn một năm. Trong tập thể lãnh đạo UBND xã, cho đến thời điểm anh V về làm Chủ tịch UBND xã thì ông B vẫn được phân công làm Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực kinh tế, xây dựng, đất đai nên công việc của anh S cũng có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, thấy việc để cả hai anh em ông B cùng quản lý theo dõi trong cùng một lĩnh vực có điều tiếng xì xào nên trong buổi họp phân công công tác sau đó, anh V đã nêu vấn đề phân công lại công tác và tập thể UBND xã đã nhất trí về việc chuyển ông B sang phụ trách, theo dõi lĩnh vực nội chính, văn xã, còn anh V sẽ trực tiếp quản lý lĩnh vực kinh tế, xây dựng, đất đai mà trước đây ông B đảm nhiệm. Sự điều chuyển này làm ông B không hài lòng. Chủ tịch UBND xã P giải quyết như vậy có hợp lý không?
Việc bố trí em trai của Phó Chủ tịch UBND xã làm cán bộ địa chính - xây dựng của UBND xã
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 26/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thì một trong những quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng và Nhà nước ta đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là “vừa tích cực chủ động phòng ngừa vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính”. Trong đó, theo quy định tại Điều 5 Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 thì trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị là phải chủ động phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng xảy ra trong cơ quan, đơn vị mà mình lãnh đạo.
Đồng thời, nếu để xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra hành vi tham nhũng đó.
Trong tình huống này, anh V, với cương vị là Chủ tịch UBND xã, theo quy định tại điểm c Điều 127 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND, có trách nhiệm “áp dụng các biện pháp nhằm cải tiến lề lối làm việc; quản lý và điều hành bộ máy hành chính hoạt động có hiệu quả; ngăn ngừa và đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, vô trách nhiệm, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác của cán bộ, công chức và trong bộ máy chính quyền địa phương”. Là người lãnh đạo tập thể UBND và quản lý bộ máy hành chính, một trong những biện pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng phát sinh trong cơ quan mà anh V cần quan tâm, đó là việc tổ chức cán bộ, phân công công tác không làm tạo ra môi trường phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Trong cách xử lý tình huống này, mặc dù anh V và tập thể UBND nhận thức được rằng việc để anh em ông B - một người là Phó Chủ tịch UBND xã, một người là cán bộ địa chính - cùng theo dõi, quản lý lĩnh vực xây dựng, đất đai là dễ làm phát sinh hành vi tiêu cực, tham nhũng, cần phải điều chuyển, phân công lại công tác nhưng cách thức mà anh V và UBND xã đã thực hiện (phân công ông B chuyển sang phụ trách công tác nội chính) là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định về những việc cán bộ, công chức cấp xã không được làm tại Mục III Thông tư số 03/2004/TT-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thì “những người được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tại đơn vị mà vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình đang làm công việc tài chính - kế toán, địa chính - xây dựng thì UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện có kế hoạch bố trí lại công chức nói trên tại xã hoặc điều động tới làm việc ở đơn vị khác trong thời gian chậm nhất là 6 tháng kể từ khi giữ chức vụ bầu cử”.
Như vậy, trong trường hợp này anh S là cán bộ chuyên trách địa chính - xây dựng, do đó, việc tuyển dụng anh S vào đảm nhiệm vị trí công tác này từ hơn một năm qua, trong khi anh trai của anh S là ông B hiện đang là Phó Chủ tịch UBND tại chính xã đó là vi phạm quy định về những việc cán bộ, công chức cấp xã không được làm, vi phạm nguyên tắc bố trí cán bộ. Do vậy, trong trường hợp này, UBND xã P không được giải quyết vấn đề bằng việc phân công cho ông B chuyển sang lĩnh vực công tác khác, mà phải báo cáo UBND cấp huyện, cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý, tuyển dụng, điều động đối với công chức cấp xã để thực hiện một trong hai giải pháp như sau:
- Căn cứ vào năng lực của anh S và nhu cầu cán bộ của xã để bố trí lại công tác khác tại xã;
- Điều động anh S tới làm việc ở đơn vị khác.
Sau khi UBND cấp huyện quyết định việc điều chuyển công tác đối với anh S, Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm tổ chức tốt việc bàn giao giấy tờ, hồ sơ, sổ sách giữa anh S và người tiếp nhận nhiệm vụ xây dựng - địa chính của xã, bảo đảm tính công khai, minh bạch khi chuyển giao hồ sơ, tài liệu, tránh những vấn đề không được làm rõ, dẫn đến việc khó khăn khi xác định trách nhiệm về sau.