Trường hợp nào được bắt khẩn cấp?
Nội dung chính
Trường hợp nào được bắt khẩn cấp?
Điều 81, BLHS (chương VI - Quy định những biện pháp ngăn chặn) có nêu rõ: Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định rõ, những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp: Thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Ngoài ra, luật cũng quy định chi tiết: Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện KSND cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn.
Viện KSND phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp quy định tại điều này. Trong trường hợp cần thiết, Viện KSND phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện KSND phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện KSND quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt.