Tổng hợp 05 chính sách mới có hiệu lực từ 14/2/2025
Nội dung chính
Tổng hợp 05 chính sách mới có hiệu lực từ 14/2/2025
Sau đây là 05 chính sách mới có hiệu lực từ 14 2 2025:
(1) Dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm học thêm.
Theo đó, căn cứ Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
- Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
(2) Bỏ phương thức thi tuyển vào lớp 6
Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 4 Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định tuyển sinh trung học cơ sở được thực hiện theo phương thức xét tuyển.
Như vậy, theo quy định mới thì từ năm 2025 sẽ bỏ phương thức thi tuyển vào lớp 6.
(3) Quy trình cơ bản trong công tác nghiệm thu đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin
Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 16/2024/TT-BTTTT hướng dẫn nội dung công tác triển khai, giám sát, nghiệm thu đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ và nội dung đặc thù của hợp đồng thuê dịch vụ đối với thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo yêu cầu riêng.
Theo đó, căn cứ Điều 9 Thông tư 16/2024/TT-BTTTT quy định quy trình cơ bản trong công tác nghiệm thu đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin như sau:
- Thực hiện kiểm thử hoặc vận hành thử trước khi tổ chức nghiệm thu sản phẩm, hạng mục công việc của dự án.
+ Đối với thiết bị, phần cứng, phần mềm thương mại, phần mềm phổ biến nhà thầu triển khai chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư tổ chức vận hành thử.
Nội dung vận hành thử theo hướng dẫn tại Phụ lục số 1 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 16/2024/TT-BTTTT. Kết quả vận hành thử được nhà thầu triển khai lập thành báo cáo;
+ Đối với phần mềm nội bộ, tùy theo mức độ yêu cầu chất lượng và các điều kiện thực tế, chủ đầu tư xem xét, quyết định áp dụng hình thức kiểm thử hoặc vận hành thử và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Nội dung vận hành thử phần mềm nội bộ theo hướng dẫn tại Phụ lục số 2 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 16/2024/TT-BTTTT. Quá trình vận hành thử phần mềm nội bộ, chủ đầu tư cần kiểm soát chất lượng phần mềm đối với các yêu cầu phi chức năng trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm thử trong nội bộ của nhà thầu triển khai. Kết quả vận hành thử phần mềm nội bộ do chủ đầu tư lập thành báo cáo.
Nội dung, kết quả kiểm thử theo hướng dẫn tại Phụ lục số 3 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 16/2024/TT-BTTTT. Kết quả kiểm thử được chủ đầu tư (nếu tự thực hiện) hoặc đơn vị kiểm thử độc lập (nếu thuê) lập thành báo cáo.
- Thực hiện các công việc nghiệm thu sản phẩm, hạng mục công việc của dự án theo quy định.
(4) Trách nhiệm thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả
Ngày 31/12/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 58/2024/TT-NHNN hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng.
Căn cứ Điều 4 Thông tư 58/2024/TT-NHNN quy định trách nhiệm thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả như sau:
- Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Sở Giao dịch), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi phát hiện tiền giả trong giao dịch tiền mặt với khách hàng phải thu giữ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 58/2024/TT-NHNN; khi phát hiện tiền nghi giả phải tạm thu giữ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 58/2024/TT-NHNN; không trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng.
- Người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả phải được bồi dưỡng kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả theo chương trình của Ngân hàng Nhà nước hoặc được bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.
Người làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.
(5) Nguyên tắc thực hiện cung ứng dịch vụ ngân quỹ
Ngày 31/12/2024,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 60/2024/TT-NHNN về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có quy định về mức phí cung ứng dịch vụ ngân quỹ.
Theo đó, căn cứ Điều 4 Thông tư 60/2024/TT-NHNN quy định nguyên tắc thực hiện cung ứng dịch vụ ngân quỹ như sau:
- Tổ chức cung ứng dịch vụ chỉ được thực hiện cung ứng dịch vụ ngân quỹ khi:
+ Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung được phép hoạt động cung ứng dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác;
+ Có quy định, quy trình nội bộ đối với từng loại hình dịch vụ ngân quỹ cung ứng đảm bảo an toàn tài sản cho tổ chức cung ứng dịch vụ và tổ chức sử dụng dịch vụ.
- Khi thực hiện cung ứng dịch vụ ngân quỹ, tổ chức cung ứng dịch vụ phải có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động cung ứng dịch vụ ngân quỹ, gồm:
+ Trường hợp cung ứng dịch vụ vận chuyển tài sản phải trang bị xe chở tiền theo tiêu chuẩn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu sử dụng phương tiện khác (ngoài xe chở tiền) để vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá, tổ chức cung ứng dịch vụ phải quy định bằng văn bản và hướng dẫn quy trình vận chuyển, bảo vệ; các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản;
+ Trường hợp bảo quản tài sản phải sử dụng kho tiền có tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
+ Trang bị các loại phương tiện, máy móc, thiết bị phù hợp với từng loại hình cung ứng dịch vụ ngân quỹ;
+ Có hệ thống thanh toán, kế toán, quản lý vốn tiền mặt khi cung ứng dịch vụ ngân quỹ.
Tổng hợp 05 chính sách mới có hiệu lực từ 14/2/2025 (Hình từ Internet)
Một số điểm đáng chú ý tại Thông tư 29 dạy thêm học thêm
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm là chính sách mới có hiệu lực từ 14/2/2025. Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có một số điểm đáng chú ý sau đây:
(1) Dạy thêm học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh) có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm (khoản 1 Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT);
(2) Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống (khoản 1 Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT);
(3) Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường (khoản 2 Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT);
(4) Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường (khoản 3 Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT);
(5) Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường (điểm b khoản 4 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT);
(6) Kế hoạch tổ chức dạy thêm học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường (khoản 5 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT);
(7) Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT);
(8) Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan (Điều 7 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).