Phim đèn âm hồn có phải là phim T18 không? Chưa đủ 18 tuổi mà xem phim T18 thì bị phạt như thế nào?
Nội dung chính
Phim đèn âm hồn có phải là phim T18 không?
Mặc dù gia nhập đường đua phim Tết muộn, phim kinh dị đèn âm hồn vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt nhờ khai thác một đề tài độc đáo và hấp dẫn: mối liên hệ giữa thế giới người sống và người đã khuất, đan xen giữa yếu tố tâm linh huyền bí và những giá trị nhân văn sâu sắc về gia đình, nguồn cội.
Điểm nhấn của bộ phim đèn âm hồn nằm ở việc xây dựng những bối cảnh tâm linh đậm chất dân gian Việt Nam, từ những ngôi nhà cổ kính, những đền thờ linh thiêng đến những phong tục, tập quán truyền thống. Tất cả những yếu tố này đã tạo nên một bầu không khí vừa lạnh lẽo, bí ẩn, vừa gần gũi, quen thuộc, đưa người xem đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, khám phá những bí mật ẩn sâu trong từng thước phim.
Lấy cảm hứng từ "Chuyện người con gái Nam Xương" - một tác phẩm nổi tiếng trong "Truyền kỳ mạn lục" của danh sĩ Nguyễn Dữ, bộ phim đã mang đến một góc nhìn mới mẻ, hiện đại về nàng Vũ Nương.
Không còn là một người phụ nữ bị oan khuất, nàng Vũ Nương trong bộ phim được tái hiện với một hình ảnh mạnh mẽ, quyết đoán, đồng thời vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, dịu dàng. Sự kết hợp giữa yếu tố tâm linh và hành động đã tạo nên một nhân vật Vũ Nương đầy sức hút, khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình.
Hơn thế nữa, bộ phim đèn âm hồn không chỉ dừng lại ở những tình tiết kịch tính, bí ẩn mà còn là một hành trình tìm kiếm nguồn cội, khám phá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua lăng kính điện ảnh, bộ phim đã khéo léo lồng ghép những thông điệp văn hóa sâu sắc, giúp người xem hiểu rõ hơn về lịch sử, về những giá trị đạo đức tốt đẹp.
Và để có thể truyền tải được câu chuyện một cách rõ ràng cũng như có được bộ phim kinh dị đầy đủ, phim đèn âm hồn là phim được gắn mác T18 - tức là phim dành cho người đủ 18 tuổi trở lên.
Phim đèn âm hồn có phải là phim T18 không? Chưa đủ 18 tuổi mà xem phim T18 thì bị phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Chưa đủ 18 tuổi mà xem phim T18 thì bị phạt như thế nào?
Căn cứ mục 1 Chương II Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về phổ biến phim
...
5. Phạt tiền đối với một trong các hành vi vi phạm về phổ biến phim trong rạp chiếu phim của cơ sở điện ảnh như sau:
...
c) Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim;
...
Theo đó, việc đảm bảo khán giả đủ tuổi để vào rạp xem phim T18 thuộc về trách nhiệm của phía nhà rạp. Do đó, hiện nay chỉ có quy định phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu nhà rạp để khán giá chưa đủ 18 tuổi mà xem phim T18. Còn trường hợp ngược lại là xử phạt khán giả chưa đủ 18 tuổi mà xem phim T18 thì chưa có quy định xử phạt cụ thể.
Phân loại phim T18 dựa trên tiêu chí nào?
Căn cứ Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL, phân loại phim T18 dựa trên tiêu chí sau:
(1) Chủ đề, nội dung
+ Nội dung phim đề cập đến các vấn đề của người trưởng thành, có thể miêu tả ở mức độ mạnh, chi tiết nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên và phải phù hợp với nội dung phim;
+ Đối với thể loại phim hành động, kinh dị hoặc có chủ đề lạm dụng trẻ em có thể miêu tả ở mức độ mạnh, miêu tả chi tiết, tác động đến người xem ở mức độ mạnh nhưng không diễn ra thường xuyên và không có thời lượng kéo dài;
+ Đối với các chủ đề, nội dung nhạy cảm, đề tài hiện thực về chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế có thể miêu tả ở mức độ trung bình, có thể khai thác sâu nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ trung bình.
(2) Bạo lực
+ Có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả hành vi bạo lực tác động đến người xem từ trên miêu tả ở mức độ mạnh đến dưới miêu tả ở mức độ quá mức; có thể miêu tả ở mức độ mạnh nhưng không có thời lượng kéo dài, tần suất ở mức độ trung bình và phù hợp với thể loại phim;
+ Được phép miêu tả ngụ ý bạo lực tình dục nhưng miêu tả ở mức độ trung bình và phải phù hợp với nội dung phim.
(3) Khỏa thân, tình dục
+ Có thể có hình ảnh khỏa thân toàn bộ cơ thể người được miêu tả ở mức độ trung bình, không có thời lượng kéo dài, không cận cảnh, không đặc tả bộ phận sinh dục, phù hợp với nội dung phim nhưng không lạm dụng hình ảnh khỏa thân, không kích động tình dục;
+ Không có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện lộ liễu, miêu tả chi tiết hoạt động tình dục, trừ các trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim, không có thời lượng kéo dài và không khai thác sâu.
(4) Ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện
+ Như mức phân loại T16;
+ Không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc buôn bán, sản xuất, tàng trữ ma túy và các chất gây nghiện trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi sai trái đó và kết quả, những nhân vật thực hiện hành động này phải bị trừng phạt, loại trừ.
(5) Kinh dị
+ Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ kinh dị, rùng rợn, gây sợ hãi, căng thẳng được miêu tả ở mức độ mạnh với cảm giác đe dọa liên tục nhưng không có thời lượng kéo dài, không tác động quá mức tới tâm lý và cảm xúc của người xem.
(6) Ngôn ngữ thô tục
+ Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được miêu tả ở mức độ mạnh hơn so với phim được phân loại ở mức T16 nhưng không được làm tổn thương đến cá nhân và cộng đồng, không sử dụng ngôn ngữ để quấy rối, lạm dụng tình dục;
+ Đối với phim đề tài phản ánh hiện thực xã hội, có thể có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục được diễn ra thường xuyên nhưng không có thời lượng kéo dài và phải phù hợp với nội dung phim.
(7) Hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước
+ Khi nội dung phim chứa các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ nguy hiểm, dễ bắt chước hoặc cách xử lý có nguy cơ gây tổn hại cho các cá nhân hoặc thông qua hành vi của họ có thể gây hại cho xã hội, thì kết quả phải được xử lý triệt để, có thông điệp giáo dục và ngăn chặn;
+ Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện hành vi dễ bắt chước không được miêu tả chi tiết và không diễn ra thường xuyên, tác động đến người xem ở mức độ trung bình.