08:40 - 11/02/2025

Giáo viên mầm non có hành vi bạo lực trẻ em bị xử lý thế nào?

Thế nào là bạo lực trẻ em? Hành vi bạo lực trẻ em bị xử lý hành chính thế nào? Giáo viên mầm non có hành vi bạo lực trẻ em bị xử lý thế nào?

Nội dung chính

    Thế nào là bạo lực trẻ em?

    Theo khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

    Mọi hành vi cố ý gây tổn hại cho trẻ em dưới 16 tuổi đều được coi là bạo hành và ngược đãi. Bạo lực trẻ em có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, thường xảy ra đồng thời, bao gồm bạo hành thể chất, tinh thần, xâm hại tình dục, bỏ mặc trẻ và những hành vi tương tự.

    Việc bị bạo hành gây ra tác động tiêu cực lâu dài đối với sự phát triển tâm lý và thể chất của trẻ. Bên cạnh việc làm tổn thương cơ thể, những hành động như chửi mắng, bỏ rơi cũng gây tổn hại tinh thần cho trẻ. Nếu kéo dài, điều này có thể dẫn đến khủng hoảng tâm lý sâu sắc.

    Giáo viên mầm non có hành vi bạo lực trẻ em bị xử lý thế nào?

    Giáo viên mầm non có hành vi bạo lực trẻ em bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)

    Giáo viên mầm non có hành vi bạo lực trẻ em bị xử lý thế nào?

    Căn cứ Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học như sau:

    Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học
    1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
    a) Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành;
    b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
    2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với người học.
    3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
    b) Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.

    Bên cạnh đó, căn cứ điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

    Hình thức xử phạt và mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục
    ...
    3. Mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục:
    ...
    b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại khoản 5 Điều 9, khoản 2 Điều 11, khoản 1 và các điểm a, b, c, d, e khoản 3 Điều 14, điểm b khoản 3 Điều 21, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 29 của Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.
    ...

    Như vậy, giáo viên mầm non có hành vi đánh đập trẻ em nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được xem là đang thực hiện hành vi xâm phạm thân thể người học, do đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

    Ngoài ra, giáo viên mầm non có hành vi đánh đập trẻ em cũng buộc xin lỗi công khai trẻ em trừ trường hợp chính trẻ em hoặc người đại diện hợp pháp yêu cầu không xin lỗi công khai. Nếu hành vi bạo lực nghiêm trọng, cô giáo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    Giáo viên mầm non có hành vi bạo lực trẻ em bị xử lý thế nào?

    Giáo viên mầm non có hành vi bạo lực trẻ em bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)

    Giáo viên mầm non bỏ đói trẻ em bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

    Căn cứ Điều 140 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội hành hạ người khác như sau:

    Tội hành hạ người khác
    1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
    a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
    b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
    c) Đối với 02 người trở lên.

    Do đó, giáo viên mầm non có hành vi bỏ đói trẻ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác, với hình phạt có thể là cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù đến 03 năm.

    16
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ