Định hướng và nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được xác định như thế nào?
Nội dung chính
Định hướng và nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được xác định như thế nào?
Căn cứ Tiểu mục 1 Mục III Điều 1 Quyết định 569/QĐ-TTg năm 2022 quy định về định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bao trùm, bảo đảm quốc phòng, an ninh
Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, các ngành có năng suất và giá trị gia tăng cao nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực; thúc đẩy phát triển các ngành chế biến chế tạo, một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn dựa trên nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư- từng bước giảm tỷ trọng các ngành có năng suất lao động, giá trị gia tăng thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu.
Tiếp thu, làm chủ, chuyển giao, ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến của thế giới nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp, công nghệ của Việt Nam để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, ứng phó với các thách thức từ dịch bệnh và biến đổi khí hậu; nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tăng cường tự chủ về công nghệ và tiến tới phát triển công nghệ mới của Việt Nam trong một số lĩnh vực trọng điểm, có thể mạnh, tiềm năng và còn dư địa lớn. Làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nhanh chóng hấp thụ, ứng dụng vào phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, sản phẩm chủ lực và thương hiệu quốc gia, thực hiện chuyển đổi số của doanh nghiệp.
- Đổi mới và hoàn thiện quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường các công cụ và chính sách đột phá nhằm khuyến khích và thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các khu công nghệ cao, mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian, tổ chức hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Nâng cao năng lực quản trị nhà nước đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là năng lực hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
- Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Sắp xếp hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập phù hợp với các định hướng ưu tiên về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng và gắn kết nghiên cứu với đào tạo.
Tập trung hình thành nguồn nhân lực trong nước và thu hút nguồn chuyên gia nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ và năng lực sáng tạo cao, phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa trong bối cảnh mới.
Tiếp tục đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, phòng thí nghiệm gắn với các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên; phát triển và nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng chuyển đổi số.
- Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tăng dần tỷ trọng nguồn cung công nghệ, thiết bị trong nước, đẩy mạnh các hoạt động trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, tiến tới đồng bộ hóa với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính.
Tập trung thúc đẩy việc chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến cùng với nâng cao năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ, năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ và kỹ năng nguồn nhân lực, triển khai chuyển đổi số, đổi mới quy trình sản xuất và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ.
Gia tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ, chú trọng phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp cùng với việc tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng kịp thời tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở đối với các công nghệ, sản phẩm mới, sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm chủ lực đáp ứng yêu cầu của thị trường; bảo đảm phát triển tài sản trí tuệ và tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa là công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới.