Đất nhận thừa kế có được xem là tài sản chung của vợ chồng không?
Nội dung chính
Đất nhận thừa kế có được xem là tài sản chung của vợ chồng không?
Em được bố để lại thừa kế một mảnh đất. Em có thắc mắc không biết mảnh đất này là tài sản riêng của em hay là tài sản chung của 2 vợ chồng? Nhờ ban tư vấn giải đáp giúp em vấn đề trên trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Như bạn trình bày thì bạn được nhận thừa kế mảnh đất. Theo quy định trên đây thì đất nhận thừa kế riêng là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Do đó, mảnh đất bạn được nhận thừa kế từ bố là tài sản riêng của bạn. Bạn có toàn quyền với mảnh đất này.
Đất nhận thừa kế có được xem là tài sản chung của vợ chồng không? (Hình từ Internet)
Muốn nhận trực tiếp nuôi đứa con sau khi vợ chồng chị gái ly hôn thì làm thế nào?
Xin chào anh chị! Tôi có vấn đề thắc mắc, mong nhận được giải đáp từ anh chị như sau: Chị Hoa và anh Đức kết hôn năm 2012 và có một người con trai. Năm 2015, anh chị ly dị và đứa bé về ở với mẹ. Năm 2016, anh Đức lĩnh án 7 năm tù, còn chị Hoa thì đi lấy chồng mới và không muốn mang con về nhà chồng mới. Anh Minh là em của chị Hoa muốn trực tiếp nuôi đứa trẻ được không? Nếu được thì cần những giấy tờ, thủ tục nào? Mong anh chị tư vấn. Xin trân trọng cảm ơn!
Trả lời:
Điểm b Khoản 2, Điểm a Khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về trường hợp thay đổi người trực tiếp nuôi con như sau:
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
Người thân thích theo quy định tại Khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.
Như vậy, anh Minh có thể đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc cháu, vì anh Đức và chị Hoa không còn khả năng, điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ nữa, đồng thời anh còn là em của chị Hoa nên anh có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi đứa trẻ.
Để thay đổi người trực tiếp nuôi con, anh Minh cần chuẩn bị một bộ hồ sơ nộp lên Tòa án nhân dân quận, huyện nơi cư trú bao gồm:
- Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con;
- Bản án ly hôn;
- Bản sao sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân
- Bản sao giấy khai sinh của con;
- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Hướng dẫn nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng?
Chào luật sư, tôi muốn được tư vấn về tài sản chung của vợ chồng. Trước khi lấy em, chồng em có được bố mẹ cho một căn nhà trên Đà Lạt. Sau khi lấy em về chung sống, khi bố mẹ ảnh mất thì căn nhà có thuộc tài sản chung của vợ chồng không ạ? Nếu không thì làm sao trở thành tài sản chung giữa 2 vợ chồng. Và thủ tục cần những giấy tờ gì ạ? Xin tư vấn giúp em. Em cảm ơn luật sư.
Trả lời:
Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Theo như quy định trên, đối với tài sản mà vợ, chồng có đươc trước khi kết hôn thì được xác định là tài sản riêng của vợ, chồng. Trong trường hợp của bạn, chồng bạn được thừa kế quyền sử dụng đất trước khi kết hôn với bạn, đây được xác định là tài sản riêng của chồng bạn.
Theo đó, để tài sản này trở thành tài sản chung thì vợ chồng bạn phải tiến hành thủ tục nhập tài sản riêng vào tài sản chung, dựa theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung:
1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."
Theo như quy định trên, để quyền sử dụng mảnh đất trên được nhập vào tài sản chung thì bạn và chồng bạn cần lập văn bản thỏa thuận về việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung này, sau đó, văn bản này vợ chồng bạn mang đi công chứng tại tổ chức, cơ quan công chứng nơi có mảnh đất trên. Sau đó, bạn có thể tiến hành thủ tục bổ sung thêm tên của mình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trân trọng!