Chánh án Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn gì trong tố tụng hình sự?
Nội dung chính
Chánh án Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn gì trong tố tụng hình sự?
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án trong tố tụng hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 44 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể bao gồm:
a) Trực tiếp tổ chức việc xét xử vụ án hình sự; quyết định giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử;
b) Quyết định phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự; quyết định phân công Thẩm tra viên thẩm tra hồ sơ vụ án hình sự;
c) Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;
d) Ra quyết định thi hành án hình sự;
đ) Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù;
e) Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;
g) Quyết định xoá án tích;
h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Khi vắng mặt, Chánh án Tòa án ủy quyền cho một Phó Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án. Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án về nhiệm vụ được ủy quyền.
Khi tiến hành việc giải quyết vụ án hình sự, Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn:
- Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, xử lý vật chứng;
- Quyết định áp dụng, đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
- Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;
- Kiến nghị, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
- Quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án;
- Tiến hành hoạt động tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
Về trách nhiệm, Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình đồng thời không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.