Cách để nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 dài ngày hơn cho người lao động có nhu cầu
Nội dung chính
Cách để nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 dài ngày hơn cho người lao động có nhu cầu?
Người lao động (NLĐ) có thể kéo dài lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 hợp pháp bằng hai cách sau:
(1) Nghỉ không hưởng lương:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, quy định về việc nghỉ không hưởng lương như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Kéo dài lịch nghỉ Tết Nguyên Đán theo cách này cần có sự đồng ý từ phía doanh nghiệp và phải được lập thành văn bản hoặc thông báo rõ ràng.
(2) Sử dụng ngày phép năm:
Theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 mỗi người lao động làm việc đủ 12 tháng sẽ có tối thiểu 12 ngày nghỉ phép năm hưởng nguyên lương (tùy theo điều kiện làm việc có thể nhiều hơn).
Đối với người làm việc đủ 12 tháng tại công ty
Số ngày phép năm (nghỉ làm hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động) đối với người làm việc đủ 12 tháng tại công ty tương ứng với từng trường hợp cụ thể:
- Trong điều kiện bình thường: 12 ngày làm việc
- NLĐ chưa thành niên, NLĐ khuyết tật, Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 14 ngày làm việc
- Làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 16 ngày làm việc
Đối với người làm việc chưa đủ 12 tháng tại công ty
Số ngày phép năm (nghỉ làm hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động) đối với người làm việc chưa đủ 12 tháng tại công ty, sẽ tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng người đó làm việc tại công ty.
Như vậy, người lao động muốn nghỉ Tết Nguyên Đán dài ngày hơn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động áp dụng hai cách sau:
- Nghỉ không hưởng lương.
- Sử dụng ngày phép năm.
Cách để nghỉ Tết Nguyên Đán dài ngày hơn cho người lao động có nhu cầu? (Hình từ internet)
Ép người lao động đi làm vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025 bị phạt như thế nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp không được ép buộc người lao động (NLĐ) làm việc trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán 2025.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, thời gian làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết được xem là làm thêm giờ, do đó việc sử dụng lao động vào thời điểm này phải được sự đồng ý của NLĐ.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định: Trừ các trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp chỉ được tổ chức làm thêm khi có sự đồng ý của NLĐ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, công ty ép người lao động (NLĐ) đi làm vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 mà không có sự đồng ý của họ sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
Căn cứ vào Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động (NSDLĐ) huy động NLĐ làm thêm giờ mà không có sự đồng ý, sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm.
Theo Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, nếu vi phạm do tổ chức thực hiện (tức công ty, doanh nghiệp), mức phạt sẽ nhân đôi, tức là từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Cụ thể quy định tại Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.
Bên cạnh đó, Điều 108 Bộ luật Lao động 2019 quy định một số trường hợp đặc biệt mà người sử dụng lao động có thể yêu cầu NLĐ làm thêm giờ mà không cần sự đồng ý, bao gồm:
- Thực hiện các công việc khẩn cấp, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn.
- Giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn.
- Nếu không thuộc các trường hợp này, việc ép buộc NLĐ làm việc vào dịp nghỉ Tết là vi phạm pháp luật.
Tết Nguyên Đán 2025 là ngày bao nhiêu?
Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 dự kiến kéo dài 9 ngày liên tục, từ Thứ Bảy, ngày 25/01/2025 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ Nhật, ngày 02/02/2025 (tức mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đây là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới theo âm lịch, thường được tổ chức với nhiều hoạt động truyền thống và gia đình sum họp.
Giao thừa Thứ Ba, ngày 28/01/2025
Mùng 1 Tết Nguyên đán 2025 Thứ Tư, ngày 29/01/2025
Mùng 2 Tết Nguyên đán 2025 Thứ Năm, ngày 30/01/2025
Mùng 3 Tết Nguyên đán 2025 Thứ Sáu, ngày 31/01/2025
Mùng 4 Tết Nguyên đán 2025 Thứ bảy, ngày 01/02/2025
Mùng 5 Tết Nguyên đán 2025 Chủ nhật, ngày 02/02/2025
Như vậy, Mùng 1 Tết Nguyên đán 2025 sẽ rơi vào thứ Tư, ngày 29/01/2025 dương lịch.