21:01 - 21/01/2025

Người bệnh tiểu đường nên ăn gì vào Tết Nguyên Đán 2025?

Tết Nguyên Đán 2025 sắp đến, vậy người bệnh tiểu đường nên ăn gì để giữ sức khỏe lành mạnh?

Nội dung chính

    Người bệnh tiểu đường nên ăn gì vào Tết Nguyên Đán 2025?

    Tết Nguyên Đán là dịp sum họp gia đình và thưởng thức những món ăn truyền thống. Tuy nhiên, với người bệnh tiểu đường, việc kiểm soát chế độ ăn uống trong dịp lễ này là rất quan trọng để duy trì sức khỏe và tránh các biến chứng nguy hiểm.

    Vậy người bệnh tiểu đường nên ăn gì vào dịp Tết Nguyên Đán 2025?

    1. Nhóm thực phẩm bột đường

    Người bệnh tiểu đường có thể thưởng thức một số món truyền thống chứa tinh bột, nhưng cần cân nhắc về lượng và cách ăn.

    - Bánh truyền thống: Có thể ăn bánh chưng hoặc bánh tét, nhưng nên chọn loại ít thịt mỡ. Lượng ăn tối đa là 150g (tương đương 1/8 cái bánh chưng) mỗi lần.

    Giãn cách ít nhất 8 giờ giữa các lần ăn bánh.

    Nếu đã ăn bánh chưng hoặc bánh tét, cần giảm hoặc bỏ các món khác chứa tinh bột như cơm, miến, bún để tránh tăng đường huyết.

    - Bánh kẹo: Chọn các loại bánh hoặc kẹo có chỉ số đường huyết thấp (GI dưới 50).

    - Đồ uống: Thay vì nước ngọt, nước có ga hoặc nước tăng lực, người bệnh nên uống trà xanh, nước lọc, sữa hạt hoặc sữa đậu nành không đường.

    2. Nhóm thực phẩm giàu chất xơ

    Chất xơ giúp kiểm soát đường huyết và mang lại cảm giác no lâu, rất cần thiết cho người bệnh tiểu đường.

    - Rau xanh: Ưu tiên các loại rau hấp, luộc như cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh, bắp cải. Rau xanh cung cấp nhiều kali, vitamin A, canxi, protein và chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

    - Trái cây: Chọn trái cây ít ngọt, nhiều chất xơ như bưởi, ổi, mận, táo, dâu tây, cam, đu đủ. Nên ăn trực tiếp thay vì ép nước để giữ lại chất xơ.

    - Các loại hạt: Thay thế mứt bằng các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt bí, hạt dưa, macca. Những loại hạt này không chỉ ít đường mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

    3. Nhóm thực phẩm giàu chất béo

    - Chất béo lành mạnh: Sử dụng dầu thực vật, phô mai, bơ hoặc sữa ít béo.

    Tuy nhiên, cần hạn chế lượng chất béo trong mỗi bữa ăn, không nên dùng quá 2 muỗng cà phê chất béo mỗi bữa để tránh tăng đường huyết và nguy cơ biến chứng tim mạch.

    4. Nhóm thực phẩm giàu chất đạm

    Người bệnh tiểu đường nên ăn những thực phẩm giàu chất đạm (protein) lành mạnh:

    - Thịt nạc: Chọn thịt gia cầm hoặc thịt đỏ ít chất béo để cung cấp protein cần thiết cho cơ thể.

    - Cá: Ăn khoảng 340g cá mỗi tuần, đặc biệt là các loại cá giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, cá mòi để hỗ trợ chức năng não và giảm viêm.

    - Trứng: Là nguồn protein tốt, chứa choline giúp giảm viêm và bảo vệ não bộ.

    - Đậu: Đậu cung cấp protein ít chất béo và chứa nhiều khoáng chất hữu ích như sắt, tốt cho người bệnh tiểu đường.

    Người bệnh tiểu đường nên ăn gì vào Tết Nguyên Đán 2025?

    Người bệnh tiểu đường nên ăn gì vào Tết Nguyên Đán 2025? (Hình ành từ Internet)

    Người bệnh tiểu đường cần hạn chế thực phẩm gì?

    Sau khi tìm hiểu về nhũng thực phẩm người bệnh tiểu đường nên ăn, cùng tìm hiểu những thực phẩm người bệnh tiểu đường cần hạn chế.

    1. Đồ ngọt và thực phẩm chứa đường

    - Bánh kẹo, chocolate, mứt, hoa quả sấy khô vì chứa nhiều đường.

    - Các loại đồ uống như nước ngọt, nước giải khát có gas, nước tăng lực và cà phê pha đường.

    2. Chất béo không lành mạnh

    Không nên tiêu thụ chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa có trong bơ thực vật, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh; sữa nguyên kem, phô mai, kem, bánh quy giòn, mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ, bơ ca cao.

    3. Thực phẩm chế biến sẵn và nhiều muối

    - Hạn chế thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn như thịt muối, giò chả, thịt đông, thịt kho tàu, giò thủ vì chứa nhiều đường và muối.

    - Giảm tiêu thụ dưa món như cải chua, củ kiệu, dưa hành, dưa chua.

    - Giảm nước chấm, tổng lượng muối tiêu thụ không quá 2g mỗi ngày.

    4. Nội tạng động vật

    Không nên ăn gan, lòng, dạ dày, tim và các nội tạng khác vì chứa nhiều cholesterol và chất béo không tốt, khó chuyển hóa.

    5. Thực phẩm chứa tinh bột

    Hạn chế ăn gạo, mì, bắp, miến, khoai lang, khoai tây để tránh tăng đường huyết.

    6. Đồ uống có cồn

    Rượu bia có thể làm tăng hoặc giảm đường huyết, gây rối loạn chức năng gan và chuyển hóa.

    Khuyến nghị:

    Nếu uống, chỉ nên uống không quá 1 lon bia hoặc 148 ml rượu vang trong bữa ăn.

    Kiểm tra đường huyết vào ban đêm nếu đã uống rượu, vì có nguy cơ hạ đường huyết.

    Người có huyết áp cao nên ngừng uống rượu bia hoàn toàn.

    Ngoài ra, người bệnh tiểu đường nên ăn chia nhỏ các bữa trong ngày để kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn, kết hợp chế độ ăn uống khoa học với vận động nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ sau bữa ăn. Đồng thời hãy luôn kiểm tra đường huyết định kỳ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi chế độ ăn uống.

    Một số mẹo tốt cho sức khỏe người bệnh tiểu đường dịp Tết Nguyên Đán 2025

    Ngoài việc chú ý đến việc ăn gì trong Tết Nguyên Đán, người bệnh tiểu đường nên kết hợp lối sống lành mạnh để duy trì sức khỏe và kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Một trong những cách hiệu quả là thường xuyên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, hoặc đạp xe không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mà còn cải thiện khả năng chuyển hóa đường trong cơ thể, hỗ trợ điều hòa đường huyết tốt hơn.

    Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cần chủ động thường xuyên kiểm tra đường huyết, duy trì sử dụng thuốc đúng liều lượng, và hạn chế tối đa các yếu tố gây căng thẳng cũng rất cần thiết. Những thói quen này không chỉ giúp người bệnh tận hưởng một mùa Tết trọn vẹn mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống dài lâu.

    23
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ