Gắn điện thoại trên xe máy có bị phạt không từ 1/1/2025?
Nội dung chính
Gắn điện thoại trên xe máy có bị phạt không từ 1/1/2025?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về việc gắn điện thoại trên xe máy, sử dụng điện thoại di động khi đi xe máy như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
...
6. Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ.
Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ, người lái không được phép sử dụng tay để cầm và thao tác với điện thoại.
Tuy nhiên, nếu điện thoại được gắn cố định trên giá đỡ xe máy và người lái chỉ quan sát màn hình để sử dụng Google Maps mà không trực tiếp thao tác trong quá trình điều khiển, hành vi này không vi phạm quy định nêu trên.
Lý do là lỗi trong quy định vừa nêu nhấn mạnh vào hành vi "dùng tay cầm và sử dụng điện thoại". Khi điện thoại được cố định trên giá đỡ và cá nhân chỉ quan sát màn hình để định hướng mà không thao tác, thì không thuộc phạm vi điều cấm.
Mặc dù vậy, việc sử dụng điện thoại (dù đã gắn trên giá đỡ) vẫn cần đảm bảo không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Mức phạt sử dụng điện thoại khi đi xe máy phạt bao nhiêu?
Căn cứ điểm đ khoản 4 và điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về lỗi sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
...
4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
đ) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác.
...
10. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
b) Vi phạm quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản 1; điểm c, điểm đ, điểm g khoản 2; điểm b, điểm e, điểm g, điểm h, điểm k khoản 3; điểm đ khoản 4; điểm c, điểm d khoản 6; điểm c, điểm d, điểm đ khoản 7; điểm a, điểm b, điểm h, điểm k khoản 9 Điều này.
Như vậy, lỗi sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 bị phạt tiền như sau:
Sử dụng điện thoại khi đi xe máy (không gây tai nạn giao thông): Bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Sử dụng điện thoại khi đi xe máy (gây tai nạn giao thông): Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Gắn điện thoại trên xe máy có bị phạt không từ 1/1/2025? (Hình từ Internet)
Sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 trừ bao nhiêu điểm?
Căn cứ điểm b, điểm đ khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về lỗi sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 bị trừ điểm như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
...
13. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe như sau:
...
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 4; điểm a khoản 6; điểm c, điểm d, điểm đ khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm;
...
d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 8, khoản 10 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.
Như vậy, lỗi sử dụng điện thoại khi đi xe máy 2025 bị trừ điểm như sau:
Sử dụng điện thoại khi đi xe máy (không gây tai nạn giao thông): Bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm.
Sử dụng điện thoại khi đi xe máy (gây tai nạn giao thông): Bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm
Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 3 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm giao thông đường bộ được trật tự, an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; phòng ngừa vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân và tài sản của cơ quan, tổ chức.
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan, có trách nhiệm giữ an toàn cho mình và cho người khác.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
- Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch và thuận lợi cho người dân.
- Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.