Đất trồng cây hằng năm không có đường đi thì có thể chuyển thành đất ở được không?

Đất trồng cây hằng năm không có đường đi muốn chuyển thành đất ở thì có cần xin phép không? Đất trồng cây hằng năm không có đường đi thì có thể chuyển thành đất ở được không?

Nội dung chính

Đất trồng cây hằng năm không có đường đi muốn chuyển thành đất ở thì có cần xin phép không?

Theo điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 thì đất trồng cây hằng năm thuộc nhóm đất nông nghiệp.

Theo điểm a khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 thì đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

Căn cứ khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024 có quy định:

Điều 121. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;
d) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
e) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
g) Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.
[…]

Theo đó, chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thuộc trường hợp phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Do đó, đất trồng cây hằng năm không có đường đi muốn chuyển thành đất ở thì cần phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đất trồng cây hằng năm không có đường đi thì có thể chuyển thành đất ở được không?

Đất trồng cây hằng năm không có đường đi muốn chuyển thành đất ở thì có cần xin phép không? (Hình từ Internet)

Đất trồng cây hằng năm không có đường đi thì có thể chuyển thành đất ở được không?

Căn cứ theo khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai 2024, được sửa đổi bởi điểm a khoản 2 Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 có quy định về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như sau:

Điều 116. Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
1. Căn cứ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
[…]
5. Căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
[…]

Như vậy, có thể thấy căn cứ để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việc đất không có đường đi không phải là điều kiện để có thể chuyển thành đất ở. Do đó, đất trồng cây hằng năm không có đường đi vẫn có thể chuyển thành đất ở được nếu đảm bảo các điều kiện về quy hoạch như đã đề cập.

Đất trồng cây hằng năm chuyển thành đất ở mà không xin phép thì bị xử phạt thế nào?

Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 10 Nghị định 123/2024/NĐ-CP có quy định:

Điều 10. Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép
[…]
2. Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,01 héc ta đến dưới 0,03 héc ta;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên.
3. Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tương ứng với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Theo đó, đất trồng cây hằng năm chuyển thành đất ở (thuộc địa giới hành chính của xã) mà không xin phép thì bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ dưới 0,01 héc ta;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,01 héc ta đến dưới 0,03 héc ta;

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta trở lên.

Nếu thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức phạt tiền sẽ gấp đôi.

Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp hai lần so với cá nhân.

Ngoài ra, những trường hợp vi phạm đều phải buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024 và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Đăng Huy
saved-content
unsaved-content
30