Vật liệu xây dựng phải có nhãn năng lượng từ 1/1/2026
Nội dung chính
Vật liệu xây dựng phải có nhãn năng lượng từ 1/1/2026
Ngày 18/6, Quốc hội khóa XV vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Tại Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có sửa đổi một số điều về biện pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng và vật liệu xây dựng như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
...
11. Sửa đổi khoản 2 Điều 37 như sau:
“2. Dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng và vật liệu xây dựng.”
12. Bãi bỏ khoản 2, sửa đổi khoản 3, bổ sung khoản 5 và khoản 6 Điều 39 như sau:
“3. Cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối phương tiện, thiết bị thực hiện công bố, dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sau khi phương tiện, thiết bị đã được thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng quốc gia tại phòng thử nghiệm.
5. Chính phủ giao Bộ quản lý chuyên ngành tổ chức triển khai hoạt động dán nhãn năng lượng đối với vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải.
...
Theo đó, từ ngày 1/1/2026, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, kinh doanh phương tiện, thiết bị và vật liệu xây dựng bắt buộc phải dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng và vật liệu xây dựng do cơ sở, doanh nghiệp mình sản xuất.
Đồng thời, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải công bố thông tin cần thiết về sử dụng năng lượng của phương tiện, thiết bị và vật liệu xây dựng.
Vật liệu xây dựng phải có nhãn năng lượng từ 1/1/2026 (Hình từ Internet)
Việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu xây dựng hiện nay như thế nào?
Tại Điều 6 Nghị định 09/2021/NĐ-CP có quy định về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu xây dựng như sau:
(1) Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
(2) Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu xây dựng thuộc đối tượng phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trong quá trình thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trước khi trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cụ thể như sau:
- Lấy ý kiến Bộ Xây dựng đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu xây dựng mới hoặc sử dụng công nghệ mới dự án đầu tư có công trình cấp đặc biệt, cấp I ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng hoặc được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của 02 tỉnh trở lên;
- Lấy ý kiến Sở Xây dựng địa phương nơi thực hiện dự án đối với các dự án đầu tư còn lại không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
(3) Nội dung lấy ý kiến bao gồm:
- Đánh giá sự phù hợp về nguồn nguyên liệu sản xuất của dự án so với quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng;
- Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án thông qua các chỉ tiêu về tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, tác động môi trường; quy mô đầu tư; thời hạn và tiến độ thực hiện dự án.