Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thổi giá đất là gì? Người mua cần chú ý gì để tránh việc bị thổi giá đất?

Các chiêu trò thổi giá đất hiện nay? Hậu quả của việc thổi giá đất và cách phòng tránh các chiêu trò thổi giá đất.

Nội dung chính

    Thổi giá đất là gì?

    Thổi giá đất là hành vi thao túng, cố ý đẩy giá đất lên cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó. Đây là một hình thức thao túng thị trường, thường được thực hiện bởi các cá nhân hoặc nhóm người có lợi ích, nhằm thu lợi bất chính.

    Thổi giá được coi là công cụ hay “đòn bẩy” của chủ đất và cò đất hoặc giới đầu cơ, tác động đến quyết định của người mua. Các đối tượng này thường phối hợp với nhau để tạo ra tình trạng giá ảo, từ đó khiến người mua phải bỏ ra số tiền lớn hơn để sở hữu bất động sản.

    Thổi giá đất là gì? Người mua cần chú ý gì để tránh việc bị thổi giá đất?

    Thổi giá đất là gì? Người mua cần chú ý gì để tránh việc bị thổi giá đất? (Hình từ Internet)

    Chiêu trò của hành vi thổi giá đất

    Hành vi thổi giá đất được thực hiện nhằm kiếm lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn. Các chiêu trò phổ biến trong hành vi thổi giá đất gồm:

    (1) Tung tin giả hoặc tin không rõ nguồn gốc

    Nhóm người chủ đất, cò đất hoặc giới đầu cơ thường phát tán các thông tin như xây dựng dự án lớn, mở đường, hoặc có quy hoạch phát triển nhằm tạo ra cảm giác giá đất sẽ tăng mạnh trong tương lai. Tin này thường được truyền miệng hoặc trên các diễn đàn, nhóm mạng xã hội. Lan truyền sai lệch về thông tin quy mô, tiện ích của dự án để tạo sự hấp dẫn giả tạo nhằm tăng giá đất lên cao

    Thành lập các diễn đàn, nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ thông tin, chạy quảng cáo bình luận về dự án, tạo ra sự bàn tán xôn xao. Đăng tải các bài viết quảng cáo, đánh giá tích cực về dự án trên các trang web, diễn đàn nhằm mọi người có thể dễ dàng tìm thấy thông tin, từ đó tăng giá đất lên vì nghĩ rằng khu vực này đang hot, tốt và mọi người đều đổ dồn vào đây mua.

    (2) Tạo ra các giao dịch giả

    Nhóm người chủ đất, cò đất hoặc giới đầu cơ có thể mua bán khống trong nhóm của mình để tạo ra các giao dịch giả, nhằm làm cho thị trường tin rằng giá đất đang tăng mạnh. Những giao dịch này có thể không được ghi nhận chính thức hoặc chỉ diễn ra trên giấy tờ. Sử dụng người thân, bạn bè để tham gia vào các giao dịch mua bán khống tạo ra sự cạnh tranh ảo.

    (3) Mua hàng loạt, kiểm soát nguồn cung, gây áp lực tâm lý với người mua

    Họ có thể mua số lượng lớn đất tại một khu vực cụ thể, làm giảm nguồn cung và tạo ấn tượng rằng đất ở khu vực này đang khan hiếm, từ đó đẩy giá lên cao hơn. Những người đầu cơ hoặc môi giới có thể tạo áp lực bằng cách nói rằng giá đất sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian ngắn, khuyến khích người mua quyết định nhanh chóng để tránh bị lỡ cơ hội.

    Họ tham gia các cuộc đấu giá đất tại các khu vực đang sốt để mua đất với giá cao, sau đó sử dụng kết quả này làm căn cứ cho việc đẩy giá thị trường.

    Hậu quả của hành vi thổi giá đất

    (1) Tạo bong bóng bất động sản

    Khi giá đất bị đẩy lên quá nhanh và quá cao so với giá trị thực tế, thị trường sẽ xuất hiện hiện tượng bong bóng dễ vỡ. Khi bong bóng vỡ, giá đất sẽ giảm mạnh, gây thiệt hại lớn cho những nhà đầu tư mua ở mức giá cao.

    (2) Khó khăn cho người mua

    Giá đất tăng quá cao làm giảm khả năng tiếp cận đất ở của người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp hoặc trung bình. Việc giá đất tăng chóng mặt khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Người có tiền sẽ càng giàu hơn nhờ đầu tư vào bất động sản, trong khi người thu nhập thấp sẽ càng khó tiếp cận được nhà ở.

    (3) Mất ổn định thị trường bất động sản

    Hành vi thổi giá đất làm cho thị trường trở nên bất ổn, khó dự đoán. Những nhà đầu tư tham gia vào các chiêu trò thổi giá có thể bị kẹt trong tình trạng tài chính khó khăn khi giá đất giảm mạnh sau khi bong bóng vỡ, có thể dẫn đến phá sản hoặc khủng hoảng tài chính cá nhân. Người mua không còn niềm tin vào thị trường, nhà đầu tư không còn bán được đất.

    Cách phòng tránh các chiêu trò thổi giá đất

    Để tránh khỏi rơi vào các chiêu trò thổi giá đất khi mua bán bất động sản, người mua cần chú ý những điều sau:

    (1) Tìm hiểu kỹ thông tin dự án

    Trước khi mua đất, người mua cần kiểm tra rõ ràng thông tin quy hoạch của khu đất. Điều này bao gồm việc xem xét giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tìm hiểu quy hoạch phát triển trong khu vực từ cơ quan chức năng.

    Tìm hiểu kỹ càng về chủ đầu tư có uy tín không, quy hoạch hạ tầng như thế nào, so sánh giá đất ở các khu vực lân cận để đánh giá mức độ hợp lý của giá đất. Nên tìm hiểu giá trị đất tại các khu vực lân cận để xác định mức giá hợp lý, tránh bị mua phải đất với giá quá cao. Nếu giá đất tại một khu vực tăng đột biến mà không có lý do rõ ràng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

    (2) Không vội tin vào các tin đồn, những lời quảng cáo đã được đọc

    Người mua không nên dễ dàng tin vào các thông tin không rõ nguồn gốc về sự phát triển của khu vực trên các quảng cáo ở các trang mạng xã hội, có thể đây là một chiêu trò chạy quảng cáo. Không nên tin vào những lời hứa hẹn lợi nhuận quá cao, điều đó có thể đi kèm với rủi ro lớn

    Cần đối chiếu với các nguồn tin khác nhau, đừng chỉ tin vào một nguồn, hãy tham khảo các thông tin chính thức từ cơ quan nhà nước hoặc chuyên gia uy tín trong lĩnh vực bất động sản.

    (3) Tránh mua đất qua môi giới không rõ ràng

    Nên chọn các đơn vị môi giới có uy tín, được cấp phép hoạt động rõ ràng để tránh bị lừa. Xem xét các đánh giá của khách hàng trước đó, đọc các đánh giá rồi mới quyết định nên chọn đơn vị môi giới đó hay không. Các giao dịch cũng nên được thực hiện qua hình thức hợp đồng pháp lý rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của người mua.

    (4) Tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia

    Trước khi tham gia mua bán đất, người mua nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia bất động sản để được tư vấn về giá trị thực tế và tình trạng pháp lý của đất để tập trung vào những dự án có giá trị thật và tiềm năng phát triển dài hạn, thay vì chạy theo các cơn sốt đất ngắn hạn có thể chứa đựng nhiều rủi ro.

    Vì vậy, cần tỉnh tạo để phòng tránh các chiêu trò thổi giá đất nhằm tránh cho bản thân chịu rủi ro và để đảm bảo sự ổn định của thị trường bất động sản.

    11