Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Sử dụng đất kết hợp đa mục đích là gì? Hồ sơ, thủ tục phê duyệt sử dụng đất kết hợp đa mục đích quy định thế nào?

Việc kết hợp nhiều mục đích sử dụng trên cùng một thửa đất được hiểu như thế nào? Muốn sử dụng đất kết hợp đa mục đích, cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì và thủ tục thế nào?

Nội dung chính

    Khái niệm sử dụng đất kết hợp đa mục đích là gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    1. Sử dụng đất kết hợp đa mục đích là việc sử dụng một phần diện tích đất của mục đích sử dụng đất chính vào mục đích khác quy định tại Điều 218 Luật Đất đai. Mục đích sử dụng đất chính là mục đích của thửa đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, đang sử dụng đất ổn định đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận.

    Theo đó, sử dụng đất kết hợp đa mục đích là việc sử dụng một phần diện tích đất có mục đích sử dụng đất chính vào mục đích khác. Mục đích sử dụng chính của mảnh đất là mục đích ban đầu khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, đang sử dụng đất ổn định đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận.

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích là gì? Hồ sơ, thủ tục phê duyệt sử dụng đất kết hợp đa mục đích quy định thế nào?

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích là gì? Hồ sơ, thủ tục phê duyệt sử dụng đất kết hợp đa mục đích quy định thế nào? (Hình từ Internet)

    Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 4 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    ...
    4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    a) Hồ sơ gồm: văn bản đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; phương án sử dụng đất kết hợp; giấy chứng nhận đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai;
    b) Cá nhân có nhu cầu sử dụng đất kết hợp đa mục đích nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp trình Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp. Thời gian thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
    c) Tổ chức có nhu cầu sử dụng đất kết hợp đa mục đích nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh.
    Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp. Thời gian thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

    Theo quy định trên, hồ sơ phê duyệt sử dụng đất kết hợp đa mục đích gồm:

    - Văn bản đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP;

    - Phương án sử dụng đất kết hợp;

    - Giấy chứng nhận đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai;

    Trình tự, thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất đa mục đích được tiến hành như sau:

    - Đối với cá nhân:

    + Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp

    + Nơi nộp: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện

    + Thời gian thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp: không quá 15 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ).

    Theo đó, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp trình Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp. Trường hợp không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

    - Đối với tổ chức:

    + Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp 

    + Nơi nộp: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh

    + Thời gian thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp: không quá 15 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ).

    Theo đó, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp. Trường hợp không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

    Quy định về việc gia hạn phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích là gì?

    Căn cứ theo khoản 6 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về việc gia hạn sử dụng đất kết hợp đa mục đích như sau:

    - Trước khi hết thời gian sử dụng đất kết hợp 30 ngày, người sử dụng đất nếu có nhu cầu gia hạn thì gửi văn bản đề nghị gia hạn phương án sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP;

    - Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, gia hạn phương án sử dụng đất kết hợp;

    - Việc xem xét, gia hạn phương án sử dụng đất kết hợp căn cứ vào các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 218 Luật Đất đai.

    Quá trình sử dụng đất kết hợp mà người sử dụng đất không tiếp tục sử dụng theo phương án đã được phê duyệt thì phải làm thế nào?

    Căn cứ theo khoản 7 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    ...
    7. Trong quá trình sử dụng đất kết hợp mà người sử dụng đất không tiếp tục sử dụng theo phương án đã được phê duyệt thì phải có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này và phải khôi phục lại để đủ điều kiện tiếp tục sử dụng vào mục đích chính theo quy định.
    ...

    Như vậy, nếu trong khi sử dụng đất mà người sử dụng không tiếp tục sử dụng theo phương án đã phê duyệt thì thực hiện như sau:

    - Phải có văn bản gửi UBND cấp có thẩm quyền

    - Phải khôi phục lại để đủ điều kiện tiếp tục sử dụng vào mục đích chính theo quy định.

    1