Siêu đề án metro 355km tại TPHCM, dự kiến 07 tuyến metro đi qua đâu?
Nội dung chính
Siêu đề án metro 355km tại TPHCM, dự kiến 07 tuyến metro đi qua đâu?
Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Theo Tờ trình 06/TTr-BGTVT ngày 23/01/2025, TP.HCM dự kiến triển khai xây dựng 07 tuyến metro với tổng chiều dài 355 km, hoàn thành vào năm 2035, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 40,21 tỷ USD.
Lộ trình xây dựng các tuyến metro của thành phố được đề ra như sau:
Tuyến 1: Tuyến xuyên tâm kết nối từ tây sang đông, đi qua khu vực trung tâm, tạo liên kết giữa các khu vực phát triển mới như Vĩnh Lộc (phía tây) và khu công nghệ cao, khu làng đại học (phía đông).
Tuyến 2: Tuyến xuyên tâm từ tây bắc đến đông qua trung tâm thành phố, kết nối các khu vực trọng điểm phát triển như Thủ Thiêm (phía đông) và khu vực phát triển phía tây bắc.
Tuyến 3: Tuyến xuyên tâm kết nối từ tây sang đông bắc, tạo sự kết nối giữa khu vực phát triển Tân Kiên (phía tây) và Linh Trung (phía đông bắc).
Tuyến 4: Tuyến xuyên tâm từ bắc xuống nam, kết nối các khu vực phát triển tại Phú Trung, Tân Thới Hiệp, Tân Nhị, Tân Thạnh Đông (phía bắc) với khu đô thị lấn biển Cần Giờ (phía nam).
Tuyến 5: Tuyến bán vành đai nối từ nam sang đông, tạo liên kết giữa khu phát triển Hưng Long (phía nam) và Trường Thọ (phía đông).
Tuyến 6: Tuyến vành đai kết nối các tuyến xuyên tâm, liên kết tất cả các khu vực trọng điểm phát triển của thành phố từ nhiều hướng.
Tuyến 7: Tuyến xuyên tâm kết nối từ tây nam đến đông, nối các khu vực phát triển tại Tân Kiên (phía tây) qua trung tâm mới Thủ Thiêm và Thanh Đa đến Trường Thọ (phía đông).
Nếu Quốc hội phê duyệt nghị quyết, TP.HCM sẽ thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025 để phê duyệt chủ trương đầu tư cho toàn bộ 7 tuyến metro. Dự kiến, các công trình này sẽ được khởi công vào năm 2027.
Từ giai đoạn 2036 đến 2045, TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng thêm 3 tuyến metro nữa, với tổng chiều dài khoảng 155 km, hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Siêu đề án metro 355km tại TPHCM, dự kiến 07 tuyến metro đi qua đâu? (Hình từ Internet)
Hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh theo Đề án metro
Theo Tờ trình 06/TTr-BGTVT ngày 23/01/2025, hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có các tuyến như sau:
Giai đoạn từ 2026 – 2035:
+ Tuyến metro số 1: Suối Tiên - Bến Thành - An Hạ: Hoàn thành tuyến metro Bến Thành - An Hạ.
+ Tuyến metro số 2: Củ Chi - QL22 - An Sương - Bến Thành - Thủ Thiêm
+ Tuyến metro số 3: Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - Ngã 6 Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ
+ Tuyến metro số 4: Đông Thạnh (Hóc Môn) - sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp phước
+ Tuyến metro số 5: Long Trường - Xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - Depot Đa Phước
+ Tuyến số metro số 6: Vành đai trong
+ Tuyến metro số 7: Tân Kiên - đường Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu Công nghệ cao - Vinhomes Grand Park
- Giai đoạn từ 2036 – 2045:
+ Tuyến metro số 8: Đa Phước - Phạm Hùng - Ngô Gia Tự - Ga Sài Gòn - Công viên phần mềm Quang Trung - Hóc Môn - Bình Mỹ (Củ Chi)
+ Tuyến metro số 9: An Hạ - Vĩnh Lộc - Ga Sài Gòn - Bình Triệu
+ Tuyến metro số 10: Vành đai ngoài
Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết về “Siêu đề án metro 355km tại TPHCM”
Ngày 08/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 28/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Tờ trình 07/TTr-BGTVT ngày 06/02/2025.
Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025 và trình Quốc hội thông qua tại một kỳ họp (tháng 02 năm 2025).
Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định, bảo đảm tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo yêu cầu.