Cầu Phú Mỹ 2 khi nào khởi công? Tổng quan về dự án Cầu Phú Mỹ 2
Nội dung chính
Cầu Phú Mỹ 2 khi nào khởi công?
Theo kế hoạch, UBND TP.HCM sẽ đảm nhận vai trò cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai công tác đầu tư dự án cầu đường Phú Mỹ 2.
Các nhóm công việc liên quan sẽ được hoàn tất và trình UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai trong tháng 5 năm 2025.
Dự kiến, dự án cầu Phú Mỹ 2 sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý IV năm 2025 và tiến hành khởi công vào năm 2027.
Tổng quan về dự án Cầu Phú Mỹ 2
Dự án cầu Phú Mỹ 2 có tổng chiều dài khoảng 16,7km, được thiết kế với quy mô 06 làn xe cơ giới và 02 làn xe thô sơ.
Tuyến đường bắt đầu từ đường Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM), hướng về phía Đông, kết nối lần lượt qua các trục đường Hoàng Quốc Việt, Đào Trí, vượt sông Đồng Nai, tiếp cận đường Liên Cảng và cuối cùng nối vào đường 25C tại khu vực Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Đoạn tuyến đi qua đường Hoàng Quốc Việt (Quận 7) hiện có lộ giới quy hoạch hạn chế, không đáp ứng đủ điều kiện để triển khai các phương án thiết kế đường theo hình thức đi dưới mặt đất như thông thường.
Cầu Phú Mỹ 2 sẽ cùng với các tuyến trên cao trục đường Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) và đường 25C (Đồng Nai) trở thành trục kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.
Tuyến đường này được xác định là một trong những tuyến giao thông chiến lược, thuộc mạng lưới 10 tuyến đường trục chính tốc độ cao, ít điểm giao cắt, hạn chế gián đoạn, đảm bảo khả năng kết nối hiệu quả giữa trung tâm TP.HCM với các tuyến đường liên vùng.
Mô hình đường trục chính tốc độ cao là một ý tưởng giao thông tiên tiến, lần đầu tiên được TP.HCM nghiên cứu và đề xuất.
Định hướng này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1711/QĐ-TTg năm 2024 Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời được tích hợp vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố.
Các tuyến đường tốc độ cao có thể được triển khai theo nhiều hình thức như trên cao, dưới mặt đất, đi ngầm hoặc kết hợp linh hoạt tùy theo điều kiện địa hình và quy hoạch khu vực.
Cầu Phú Mỹ 2 khi nào khởi công? Tổng quan về dự án Cầu Phú Mỹ 2 (Hình từ Internet)
Quản lý tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng như thế nào?
Căn cứ Điều 67 Luật Xây dựng 2014 (thay thế bởi điểm a khoản 64 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định về quản lý tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng như sau:
- Người quyết định đầu tư quyết định thời gian, tiến độ thực hiện khi phê duyệt dự án. Đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công thì tiến độ thi công xây dựng không được vượt quá thời gian thi công xây dựng công trình đã được người quyết định đầu tư phê duyệt.
- Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng công trình phải lập kế hoạch tiến độ, biện pháp thi công xây dựng và quản lý thực hiện dự án theo tiến độ thi công xây dựng được duyệt.
- Chủ đầu tư có trách nhiệm tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành theo tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng.
- Khuyến khích chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đề xuất và áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và tổ chức quản lý hợp lý để rút ngắn thời gian xây dựng công trình.
Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng
Căn cứ Điều 68 Luật Xây dựng 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng như sau:
- Chủ đầu tư có các quyền sau:
+ Lập, quản lý dự án khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật Xây dựng 2014;
+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về lập, quản lý dự án;
+ Lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn để lập, quản lý dự án;
+ Tổ chức lập, quản lý dự án; quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo thẩm quyền;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:
+ Xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập dự án; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết trong trường hợp thuê tư vấn lập dự án; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự án và lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng;
+ Lựa chọn tổ chức tư vấn lập dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật Xây dựng 2014;
+ Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác của các thông tin, tài liệu được cung cấp cho tư vấn khi lập dự án; trình dự án với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
+ Lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra dự án theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án và của người quyết định đầu tư;
+ Tổ chức quản lý thực hiện dự án theo quy định tại Điều 66 của Luật Xây dựng 2014;
+ Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
+ Thu hồi vốn, trả nợ vốn vay đối với dự án có yêu cầu về thu hồi vốn, trả nợ vốn vay;
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.