Cấu kiện là gì? Những mẫu cấu kiện ứng dụng cho kiểu nhà gỗ

Cùng tìm hiểu về cấu kiện và đâu là những mẫu cấu kiện thường được ứng dụng trong kiến trúc nhà gỗ truyền thống.

Nội dung chính

Cấu kiện là gì?

Cấu kiện là thuật ngữ phổ biến trong ngành xây dựng, dùng để chỉ các bộ phận cơ bản được phân chia từ kết cấu bê tông cốt thép hoặc kết cấu thép của công trình. Các cấu kiện thường liên quan đến các công việc như đo lường, tính toán lực đỡ, nội lực và ngoại lực.

Cấu kiện có vai trò đảm bảo tính chắc chắn, an toàn và thẩm mỹ cho công trình, và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn xây dựng.

Cấu kiện là gì? Những mẫu cấu kiện ứng dụng cho kiểu nhà gỗ

Cấu kiện là gì? Những mẫu cấu kiện ứng dụng cho kiểu nhà gỗ (Hình từ Internet)

Cấu kiện phổ biến hiện nay

Cấu kiện được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Phân loại cấu kiện phổ biến nhất hiện nay, bao gồm:

- Cấu kiện chịu uốn:

Là loại cấu kiện chịu tác dụng của mômen uốn, thường có dạng thanh dài như dầm, sàn, thanh giằng, cầu thang. Ví dụ như dầm chịu lực trong nhà, sàn nhà, mái nhà,…

Cấu kiện chịu uốn bao gồm dầm đơn giản có thể chịu uốn trong một mặt phẳng và dầm liên tục có khả năng chịu uốn trong nhiều mặt phẳng.

Ngoài ra, câu kiện chịu uốn còn phân loại chi tiết theo hình dáng tiết diện như dầm tiết diện chữ I, chữ H, chữ U,…

- Cấu kiện chịu nén

Là loại cấu kiện chịu tác dụng của lực nén theo phương dọc trục, thường có dạng thanh dài như cột, cọc. Cột nhà, cọc móng, thanh chống, thanh đà hay trong thân vòm,… là các cấu kiện chịu nén.

Cấu kiện chịu nén cơ bản được phân loại thành 2 dạng, bao gồm cột chịu nén trung tâm chịu lực nén tác dụng dọc theo trục và cột chịu nén lệch tâm chịu lực nén tác dụng lệch tâm so với trục.

- Cấu kiện chịu kéo

Là loại cấu kiện chịu tác dụng của lực kéo theo phương dọc trục, thường có dạng thanh dài như cáp treo, thanh giằng, thanh căng của vòm thành bể chứa chất lỏng, thanh treo,… Cáp treo cầu, thanh giằng mái nhà là các ví dụ điển hình của cấu kiện chịu kéo.

Cấu kiện chịu kéo có nét tương đồng với cấu kiện chịu nén về phân loại cấu kiện chịu kéo trung tâm và lệch tâm. Ngoài ra còn có thể chia theo thanh kéo đơn giản và thanh kéo phức tạp

Ứng dụng cấu kiện trong nhà gỗ truyền thống

Nhà gỗ truyền thống là loại hình kiến trúc độc đáo của Việt Nam, được xây dựng từ các cấu kiện gỗ. Cấu kiện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng và đảm bảo tính an toàn, bền vững cho nhà gỗ. 

Cột được xem là cấu kiện nhà gỗ đầu tiên và quan trọng nhất khi nhắc đến 1 công trình nhà gỗ cổ truyền, bởi cấu kiện cột cái giữ vai trò mấu chốt trong việc giữ lực nén của cả căn nhà, bao gồm những loại cột sau:

- Cột cái (cột chính): Là cột chính chịu lực nén từ mái nhà, nằm ở các đầu nhịp. Hai đầu của cột tạo một khoảng độ sâu cho không gian giữa.Cột cái thường lớn hơn và được trang trí công phu hơn cột con.

- Cột con (cột phụ): Hỗ trợ cho cột chính và giúp chia nhỏ không gian, phân phối lực nén đến nền nhà. Số lượng cột con có thể thay đổi tùy thuộc vào thiết kế và cấu trúc của ngôi nhà.

- Cột mái hiên: Cột mái hiên không chỉ có chức năng hỗ trợ mà còn góp phần tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ cho ngôi nhà. Loại cột này thường không xuất hiện nhiều và thường thấy ở những công trình cổ theo kiểu truyền thống.

Quy định về lựa chọn và sử dụng vật liệu trong xây dựng nhà gỗ

Căn cứ theo Điều 110 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bới khoản 40 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định như sau:

- Phát triển, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.

- Vật liệu, cấu kiện sử dụng cho công trình xây dựng phải theo đúng thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) đã được phê duyệt, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Vật liệu xây dựng được sử dụng để sản xuất, chế tạo, gia công bán thành phẩm phải phù hợp với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 110 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bới khoản 40 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020).

- Ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ; vật liệu xây dựng và sản phẩm xây dựng được sản xuất, chế tạo trong nước; sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Vai trò của cơ quan thẩm định trong thiết kế, dự toán xây dựng

Căn cứ theo Điều 87 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 28 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định như sau:

- Cơ quan chuyên môn về xây dựng có các quyền sau:

+ Yêu cầu chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân lập, thẩm tra thiết kế xây dựng cung cấp, giải trình, làm rõ các thông tin khi cần thiết làm cơ sở cho công tác thẩm định theo quy định;

+ Yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra; mời tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia thẩm định khi cần thiết;

+ Bảo lưu kết quả thẩm định, từ chối thực hiện yêu cầu làm sai lệch kết quả thẩm định hoặc các yêu cầu vượt quá năng lực, phạm vi công việc thẩm định.

- Cơ quan chuyên môn về xây dựng có các trách nhiệm sau:

+ Thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi 2020;

+ Thông báo ý kiến, kết quả thẩm định bằng văn bản gửi chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để theo dõi, quản lý việc triển khai xây dựng;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả công việc do mình thực hiện.

    saved-content
    unsaved-content
    312