Thông tư 14/2005/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 138/2004/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 14/2005/TT-BTC
Ngày ban hành 16/02/2005
Ngày có hiệu lực 25/03/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trương Chí Trung
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc

Số:14/2005/TT-BTC 

Hà Nội;ngày 16 tháng 02 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 14/2005/TT-BTC NGÀY 16 THÁNG 02 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 138/2004/NĐ-CP NGÀY 17/6/2004  CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02/7/2002 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17/6/2004 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước về hải quan mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17/6/2004 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 138/2004/NĐ-CP) phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.  

2- Việc áp dụng các quy định của Nghị định 138/2004/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan được thực hiện theo nguyên tắc sau:

a/ Nghị định 138/2004/NĐ-CP được áp dụng với hành vi xảy ra tại thời điểm Nghị định 138/2004/NĐ-CP có hiệu lực;

b/ Trường hợp Nghị định 138/2004/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn;

c/ Trường hợp Nghị định 138/2004/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật khác có cùng hiệu lực pháp lý quy định về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau;

d/ Trường hợp Nghị định 138/2004/NĐ-CP không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày Nghị định có hiệu lực, thì áp dụng Nghị định 138/2004/NĐ-CP.

3- Việc xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan phải tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục và thẩm  quyền quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 138/2004/NĐ-CP.

4- Thẩm quyền xử phạt.

a/ Trường hợp mức tiền phạt, trị giá tang vật phương tiện bị tịch thu hoặc một trong các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp thời chuyển vụ việc đó đến người có thẩm quyền xử phạt;

b/ Đối với vi phạm hành chính mà hồ sơ liên quan đến nhiều đơn vị hải quan thì đơn vị nào phát hiện, lập biên bản đầu tiên, đơn vị đó ra quyết định xử phạt; những đơn vị liên quan có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của đơn vị có thẩm quyền xử phạt;

c/ Khi phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan, người có thẩm quyền xử phạt cần đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự để xác định đó là vi phạm hành chính hay tội phạm. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

5- Một số trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về hải quan quy định tại Điều 7  Nghị định 138/2004/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

a/ Hàng hoá, phương tiện vận tải đưa vào Việt Nam do bị hoả hoạn, thiên tai, địch hoạ, sự kiện bất ngờ, trong tình thế cấp thiết phải khai với cơ quan hải quan, cơ quan có thẩm quyền khác hoặc chính quyền địa phương theo đúng qui định của pháp luật.

Trường hợp không khai sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành;

b/ Khi xem xét xử lý những trường hợp nhầm lẫn trong quá trình gửi hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 138/2004/NĐ-CP phải căn cứ vào Luật Hải quan và Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan để xác định thời điểm “kiểm tra thực tế hàng hoá”. Đối với trường hợp hàng hoá thuộc diện miễn kiểm tra theo quy định thì thời điểm này được tính là thời điểm có quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của cấp hải quan có thẩm quyền.

Việc thông báo nhầm lẫn phải được người gửi hàng hoặc đại diện hợp pháp của họ hoặc người nhận hàng thực hiện bằng văn bản, nêu rõ lý do, gửi cho cơ quan hải quan kèm theo các chứng từ liên quan trước khi kiểm tra hàng hoá và được Chi cục trưởng Hải quan chấp nhận. Khi lý do nhầm lẫn không chính đáng hoặc có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa bên mua, bên bán và/hoặc người vận chuyển để buôn lậu, vận chuyển trái phép hoặc trốn thuế thì Chi cục trưởng Hải quan có quyền từ chối chấp  nhận nhầm lẫn;

c/ Đối với các trường hợp qui định tại các khoản 5, 6, 7 Điều 7 Nghị định 138/2004/NĐ-CP, khi phát hiện hành vi vi phạm vẫn phải lập biên bản vi phạm hành chính về hải quan. Người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào hồ sơ nhập khẩu, tài liệu có liên quan, biên bản vi phạm hành chính về hải quan để quyết định;

d/ Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, vật phẩm không đúng với khai hải quan nhưng không ảnh hưởng đến tiền thuế và các nghĩa vụ tài chính phải nộp, không vi phạm quy định về chính sách mặt hàng, vệ sinh môi trường hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì không xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;                       

đ/ Trường hợp người khai hải quan khai đúng hàng hoá thực xuất khẩu, nhập khẩu nhưng áp sai mã số hàng hoá do lần đầu nhập khẩu mặt hàng đó, cơ quan Hải quan hướng dẫn người khai áp lại mã số hàng hoá cho chính xác, lập biên bản chứng nhận và không xử phạt. Nếu đã được Hải quan hướng dẫn mà vẫn tiếp tục khai sai mã số mặt hàng đó thì lập biên bản vi phạm và xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.

6- Trị giá tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu được xác định theo hướng dẫn chung của Bộ Tài chính;

- Trường hợp tang vật, phương tiện không bị tịch thu thì trị giá tang vật, phương tiện vi phạm là trị giá tính thuế, được xác định theo các quy định hiện hành về xác định giá tính thuế ở thời điểm lập biên bản vi phạm. Đối với ngoại hối thì trị giá được tính theo hướng dẫn tại điểm 2 Mục II Phần B Thông tư số 87/2004/TT-BTC ngày 31/8/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

7- Đối với hành vi vi phạm không bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả thì hàng hoá, phương tiện vi phạm được tiếp tục làm thủ tục hải quan theo quy định pháp luật nếu cá nhân, tổ chức vi phạm đã nộp đủ tiền phạt hoặc được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng bảo lãnh đối với số tiền phải nộp để thực hiện quyết định xử phạt.

8- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu là tang vật vi phạm hành chính thuộc đối tượng chịu thuế thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức còn phải nộp đủ các loại thuế và lệ phí theo quy định của pháp luật.

II- ÁP DỤNG CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC PHẠT

[...]