Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 138/2004/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Số hiệu 138/2004/NĐ-CP
Ngày ban hành 17/06/2004
Ngày có hiệu lực 13/07/2004
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 138/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2004

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 138/2004/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 6 NĂM 2004 QUY ĐỊNH VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Nghị định này quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan bao gồm:

1. Vi phạm các quy định về thủ tục hải quan;

2. Vi phạm các quy định về kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

3. Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, hành lý, ngoại hối, vàng, tiền Việt Nam, kim khí quý, đá quý, cổ vật, văn hoá phẩm, bưu phẩm, vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và các tài sản khác (sau đây gọi chung là hàng hoá); vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.

Điều 2. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ

1. Các tình tiết giảm nhẹ gồm:

a) Các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 8 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;

b) Vi phạm lần đầu trong lĩnh vực hải quan;

c) Tang vật vi phạm có trị giá nhỏ hơn mức tiền phạt tối thiểu của khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm.

2. Các tình tiết tăng nặng gồm các tình tiết quy định tại Điều 9 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 4. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực hải quan là 70.000.000 đồng.

Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi vi phạm đó. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt được giảm xuống nhưng không thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể được tăng lên nhưng không vượt mức tối đa của khung tiền phạt.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

[...]