Nghị định 134/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002

Số hiệu 134/2003/NĐ-CP
Ngày ban hành 14/11/2003
Ngày có hiệu lực 04/12/2003
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2003

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 134/2003/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2003 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NĂM 2002

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) về một số nguyên tắc chung, hình thức, thẩm quyền, thủ tục và việc áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính

Thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính tại Điều 2 của Pháp lệnh bao gồm thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính cụ thể, hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với từng hành vi vi phạm hành chính; quy định khung và mức tiền phạt trong trường hợp phạt tiền; quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.

Việc xác định khung và mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi đó.

Điều 3. Một số nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

Một số nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 3 của Pháp lệnh được quy định cụ thể như sau:

1. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định:

Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể trong các văn bản luật của Quốc hội, pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và nghị định của Chính phủ. Các văn bản do Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền không được quy định hành vi vi phạm hành chính và hình thức, mức xử phạt;

2. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần:

a) Một hành vi vi phạm đã được người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt hoặc đã lập biên bản để xử phạt thì không được lập biên bản, ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với chính hành vi đó nữa. Trong trường hợp hành vi vi phạm vẫn tiếp tục được thực hiện mặc dù đã bị người có thẩm quyền xử phạt ra lệnh đình chỉ thì bị áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 8 Điều 9 của Pháp lệnh;

b) Một hành vi vi phạm hành chính đã được người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt thì không đồng thời áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh đối với hành vi đó;

c) Trong trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm bị chuyển hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự mà trước đó đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người đã quyết định xử phạt phải huỷ bỏ quyết định xử phạt; nếu chưa ra quyết định xử phạt thì không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó;

3. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi đó và người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà ra quyết định xử phạt đối với từng người cùng thực hiện vi phạm hành chính;

4. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Pháp lệnh.

Điều 4. Những trường hợp không xử lý vi phạm hành chính

Những trường hợp không xử lý vi phạm hành chính theo khoản 6 Điều 3 của Pháp lệnh được quy định cụ thể như sau:

1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa;

2. Phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên;

3. Người thực hiện hành vi do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó;

4. Trường hợp người thực hiện vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

[...]