Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002

Số hiệu 44/2002/PL-UBTVQH10
Ngày ban hành 02/07/2002
Ngày có hiệu lực 01/10/2002
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 44/2002/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2002

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 44/2002/PL-UBTVQH10 NGÀY 2 THÁNG 7 NĂM 2002 VỀ VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Để đấu tranh phòng ngừa và chống vi phạm hành chính, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002;
Pháp lệnh này quy định về xử lý vi phạm hành chính.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Xử lý vi phạm hành chính

1. Xử lý vi phạm hành chính bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính khác.

2. Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

3. Các biện pháp xử lý hành chính khác được áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này.

Điều 2. Thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác

Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; quy định chế độ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

1. Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Cá nhân chỉ bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác nếu thuộc một trong các đối tượng được quy định tại các điều 23, 24, 25, 26 và 27 của Pháp lệnh này.

3. Việc xử lý vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

5. Việc xử lý vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.

6. Không xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh, phòng ngừa và chống vi phạm hành chính

1. Cơ quan, tổ chức và mọi công dân phải nghiêm chỉnh tuân thủ những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục thành viên thuộc cơ quan, tổ chức mình về ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, các quy tắc của cuộc sống xã hội, kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ra vi phạm hành chính trong cơ quan, tổ chức mình.

2. Khi phát hiện có vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm xử lý vi phạm đó theo đúng quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu, dung túng, bao che, xử lý không nghiêm minh vi phạm hành chính.

3. Công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố cáo mọi hành vi vi phạm hành chính và hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

4. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Giám sát, kiểm tra trong xử lý vi phạm hành chính

[...]
34
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ