Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 531/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 531/QĐ-TTg
Ngày ban hành 01/04/2021
Ngày có hiệu lực 01/04/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 531/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU VỰC DỊCH VỤ CỦA VIỆT NAM THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2018 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (sau đây gọi tắt là Chiến lược), với những nội dung chủ yếu sau:

A. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Phát triển khu vực dịch vụ nhanh đi đôi với hiệu quả, bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

- Phát triển các ngành dịch vụ, phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước; huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân.

- Phát triển khu vực dịch vụ trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 để tiến nhanh, bắt kịp các quốc gia trên thế giới. Ưu tiên tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao.

- Phát triển, hội nhập trong lĩnh vực dịch vụ đi đôi với bảo đảm nền kinh tế độc lập, tự chủ và an toàn xã hội, an ninh quốc gia; mở cửa thị trường các ngành dịch vụ gắn với bảo vệ hiệu quả các ngành kinh tế trong nước; phát huy nội lực và coi nội lực là cơ sở để hội nhập tích cực, chủ động, hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ.

- Phát triển khu vực dịch vụ có khả năng tự chủ và thích ứng linh hoạt trước ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế, thiên tai, dịch bệnh mang tính toàn cầu.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển khu vực dịch vụ trở thành khu vực chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, ngang bằng với nhóm các quốc gia phát triển trong ASEAN - 4, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP.

Trong thời kỳ 2030 - 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 60% GDP.

B. CÁC ĐỊNH HƯỚNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

I. ĐỊNH HƯỚNG CHUNG

- Đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, logistics, thương mại, du lịch... Duy trì tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong GDP.

- Tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh như: phân phối, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, logistics, giáo dục đào tạo, y tế,... Đồng thời, hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực và quốc tế.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên thị trường nội địa, trong khu vực và quốc tế; đẩy mạnh khai thác tiềm năng và lợi thế của từng ngành dịch vụ, tăng cường hợp tác giữa các ngành dịch vụ để cùng cạnh tranh và phát triển.

- Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, dịch vụ việc làm,... theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước hội nhập quốc tế.

[...]