THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
175/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU VỰC DỊCH VỤ CỦA
VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ ban
hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2007 – 2011;
Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến
năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quan điểm phát triển
- Phát triển
lĩnh vực dịch vụ nhanh, hiệu quả và bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản phục vụ
cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế
hiện đại.
- Phát triển mạnh
khu vực dịch vụ tiếp cận với trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu
vực.
- Huy động mọi
nguồn lực của các thành phần kinh tế trong phát triển các lĩnh vực dịch vụ.
- Phát triển các
lĩnh vực dịch vụ, phù hợp với các giai đoạn phát triển của kinh tế đất nước.
- Tạo môi trường
cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh và ngày càng hiện
đại các loại thị trường dịch vụ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, tạo động lực
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
2.
Mục tiêu tổng quát
Phát triển khu vực
dịch vụ hiệu quả, đạt chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc tế; phát triển các
lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng lớn, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao phục
vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo tăng trưởng bền vững
và dần từng bước chuyển sang nền kinh tế tri thức.
3.
Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2011
– 2015: tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 7,8 – 8,5%/năm với quy mô khoảng
41% - 42% GDP toàn bộ nền kinh tế; giai đoạn 2016 – 2020: tốc độ tăng trưởng
khu vực dịch vụ đạt 8,0 – 8,5%/năm với quy mô khoảng 42,0 – 43,0% GDP toàn nền
kinh tế.
4.
Định hướng chiến lược, phân kỳ, trọng điểm phát triển và các định hướng cơ bản
a) Định hướng
Chiến lược
Phát triển khu vực
dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng các khu vực sản xuất và
tốc độ tăng GDP.
Tập trung nguồn
lực, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, các
ngành có hàm lượng khoa học và công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng cao, làm
cơ sở cho sự phát triển chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Nâng cao chất lượng
sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ
trên thị trường nội địa, khu vực và quốc tế; đẩy mạnh khai thác tiềm năng và lợi
thế của từng lĩnh vực dịch vụ, tăng cường sự hợp tác giữa các lĩnh vực dịch vụ
để cùng cạnh tranh và phát triển.
Đẩy mạnh xuất khẩu
dịch vụ và dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch,
tài chính – ngân hàng, kiều hối, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không, đường
biển và bán hàng tại chỗ, giảm thâm hụt cán cân dịch vụ.
Phát triển hệ thống
phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng
thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ Việt Nam.
Hình thành một số
trung tâm dịch vụ đặc biệt là các trung tâm du lịch có quy mô và có sức cạnh
tranh trong khu vực.
b) Phân kỳ, trọng
điểm phát triển:
Nhiệm vụ chủ yếu
giai đoạn 2011 – 2015:
- Nâng cao nhận
thức xã hội về dịch vụ;
- Tăng cường xây
dựng thể chế phát triển khu vực dịch vụ;
- Phát triển mạnh
các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, các ngành dịch vụ có hàm lượng
khoa học và công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng cao, bao gồm: dịch vụ công
nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ giáo dục, dịch vụ lo-gi-stic, dịch vụ
tài chính, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải, dịch vụ
phân phối, dịch vụ khoa học và công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
- Xây dựng và
hoàn thiện cơ sở hạ tầng của khu vực dịch vụ, tạo tiền đề phát triển nhanh, bền
vững và toàn diện khu vực dịch vụ trong giai đoạn tiếp sau thông qua việc tập
trung phát triển có trọng điểm các ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” bao gồm: công
nghệ thông tin truyền thông, dịch vụ giáo dục, dịch vụ lo-gi-stic, dịch vụ tài
chính và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh.
Nhiệm vụ chủ yếu
giai đoạn 2016 – 2020
- Phát triển mạnh
mẽ, toàn diện và bền vững khu vực dịch vụ trên cơ sở phát huy hiệu quả dịch vụ
“cơ sở hạ tầng” đã được tăng cường và hoàn thiện; khai thác tối đa nhu cầu về dịch
vụ được gia tăng trong giai đoạn 2011 – 2015;
- Sử dụng thành
quả bước đầu của nền giáo dục, trong đó có giáo dục bậc cao và giáo dục chuyên
nghiệp được ưu tiên phát triển trong giai đoạn trước cũng như khả năng cạnh
tranh được tạo ra do phát triển công nghệ thông tin và truyền thông và các lĩnh
vực khoa học công nghệ khác, thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành dịch
vụ có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ, tri thức cao, dần tiến tới mục
tiêu hình thành nền kinh tế tri thức trong các giai đoạn phát triển tiếp sau.
- Các lĩnh vực dịch
vụ tiếp tục được tập trung phát triển gồm: công nghệ thông tin và truyền thông,
tài chính, lo-gi-stic, hỗ trợ kinh doanh, giáo dục bậc cao, chăm sóc sức khỏe
chất lượng cao và du lịch.
c) Định hướng cơ
bản phát triển các lĩnh vực chủ yếu đến năm 2020:
- Dịch vụ công
nghệ thông tin và truyền thông
Hướng tới năm
2020, công nghệ thông tin và truyền thông phải làm nòng cốt, là tiền đề cho quá
trình hội nhập kinh tế quốc tế và trở thành một trong những điểm tựa quan trọng
cho sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế để Việt Nam
có thể trở thành một nước có trình độ tiên tiến về phát triển kinh tế tri thức
và xã hội thông tin, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Dịch vụ tài
chính:
+ Dịch vụ ngân
hàng: phát triển ổn định và bền vững hệ thống ngân hàng là yêu cầu xuyên suốt
chiến lược và quá trình thực hiện chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng; nâng
cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
+ Dịch vụ chứng khoán:
tăng quy mô, củng cố tính thanh khoản cho thị trường, đưa tổng giá trị vốn hóa
thị trường cổ phiếu đạt từ 80% đến 110% GDP vào năm 2020. Phát triển thị trường
trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ trở thành một kênh huy động và
phân bổ vốn quan trọng cho phát triển kinh tế. Nâng cao sức cạnh tranh của các
định chế trung gian thị trường và các tổ chức phụ trợ, tăng cường quản trị rủi
ro, hướng tới hoạt động theo mô hình đa năng, mở rộng phạm vi hoạt động ra nước
ngoài.
+ Dịch vụ bảo hiểm
Tăng trưởng bảo
hiểm phi nhân thọ bình quân đạt khoảng 29% - 30%; trong đó, tập trung nâng cao
chất lượng các sản phẩm dịch vụ; ưu tiên khai thác khách hàng cá nhân; ưu tiên
phát triển bảo hiểm trách nhiệm và y tế.
Tăng trưởng bảo
hiểm nhân thọ bình quân đạt khoảng 16% - 18%; trong đó, ưu tiên tập trung khai
thác sản phẩm hỗn hợp; tích hợp các sản phẩm truyền thông; nâng cao chất lượng
các sản phẩm dịch vụ; gia tăng các sản phẩm liên kết đầu tư (sản phẩm hỗn hợp:
đầu tư, bảo vệ, tiết kiệm).
- Dịch vụ hỗ trợ
kinh doanh
Hình thành các dự
án, chương trình phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh theo hướng: tạo môi
trường kinh doanh; tạo lập và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp;
cải thiện và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các
nguồn lực, thị trường và các loại hình dịch vụ; tạo lập và nâng cao văn hóa và
năng lực quản trị kinh doanh.
Xác định rõ, cụ
thể các lĩnh vực dịch vụ phục vụ kinh doanh thiết yếu theo từng ngành lĩnh vực
kinh tế - xã hội cụ thể để tạo điều kiện cho các dịch vụ đó phát triển đáp ứng
nhu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực đó.
- Dịch vụ giáo dục
đào tạo
Phát triển dịch
vụ giáo dục đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực trở thành lợi thế cạnh tranh
và hội nhập quốc tế; đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp
nhằm thực hiện trực tiếp một trong ba mục tiêu đột phá của Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 2011 – 2020.
- Dịch vụ
lo-gi-stic
Coi lo-gi-stic
là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất hệ thống phân phối các ngành dịch
vụ khác và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.
Hình thành dịch
vụ trọn gói 3PL (integrated 3PL); phát triển lo-gi-stic điện tử (e-logistics)
cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả và thân thiện.
Tốc độ tăng trưởng
thị trường lo-gi-stic đạt 20 – 25% năm. Tỉ lệ thuê ngoài lo-gi-stic
(outsourcing logistics) đến năm 2020 là 40%.
- Dịch vụ vận tải
Phát triển hợp
lý các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa,
hàng không
Xây dựng chính
sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ
trợ vận tải; hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng và vận tải phục
vụ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
- Dịch vụ khoa học
và công nghệ
Nghiên cứu đánh
giá tiềm lực tổ chức R&D ở quy mô quốc gia (xét trên tổng thể các tiêu chí
về nhân lực, vật lực, tài lực, tin lực) để có những chính sách phù hợp trong
giai đoạn mới.
Phát triển nguồn
nhân lực cho hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ; tăng cường phát triển mạng
lưới các tổ chức dịch vụ khoa học công nghệ;
Tăng cường công
tác thống kê tiềm lực khoa học và công nghệ; bám sát các chuẩn thống kê quốc tế
về khoa học và công nghệ.
- Dịch vụ du lịch
Phát triển du lịch
mở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên
nghiệp, có thương hiệu, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển đồng thời du lịch
nội địa và quốc tế.
Phát triển du lịch
bền vững, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa, gắn với an ninh, quốc
phòng, trật tự an toàn xã hội; khai thác tối ưu lợi thế quốc gia, các nguồn lực
để Việt Nam trở thành điểm đến cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
- Dịch vụ chăm
sóc sức khỏe
Xây dựng hệ thống
y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đẩy nhanh quá trình
hiện đại hóa ngành y tế; phát triển dịch vụ y tế đạt trình độ ngang tầm các nước
trong khu vực.
Phấn đấu để mọi
người dân được hưởng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, các dịch vụ
y tế chất lượng. Mọi người được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về
thể chất và tinh thần. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và
phát triển chất lượng giống nòi.
- Dịch vụ phân
phối
Đẩy mạnh phát
triển và tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối của các doanh
nghiệp sản xuất kinh doanh lớn được tổ chức và phân phối thông suốt trên phạm
vi cả nước, đồng thời bảo đảm chiếm lĩnh tại các địa bàn thị trường then chốt
và trọng yếu; có đủ các nguồn lực để giải quyết kịp thời các biến động của thị
trường về quan hệ cung – cầu, giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Có chính sách,
cơ chế để tạo lập vị thế và sức mạnh điều tiết thị trường của hệ thống bán lẻ
Việt Nam trong hệ thống phân phối. Đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý nhà
nước đối với các hệ thống phân phối vừa và nhỏ trên thị trường các tỉnh và
thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết và chủ yếu là thị trường nông thôn
và miền núi.
5.
Định hướng phát triển theo vùng, lãnh thổ
a) Vùng đồng bằng:
Phát triển mạnh
dịch vụ thương mại và đầu tư, tham gia vào mạng phân phối quốc tế và khu vực,
hình thành những trung tâm thương mại lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ
Chí Minh, Cần Thơ… mang tầm quốc tế.
Đặc biệt chú trọng
phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ khoa học và công
nghệ, dịch vụ tài chính, tín dụng, dịch vụ giáo dục, đào tạo, dịch vụ y tế,
chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội.
Khai thác tiềm
năng phát triển du lịch có quy mô lớn ở một số địa phương trong vùng, đưa du lịch
thành một trong những ngành dịch vụ mũi nhọn.
b) Vùng trung du
miền núi:
Chú trọng phát
triển các dịch vụ phục vụ nông lâm nghiệp và dịch vụ phục vụ đời sống ở nông
thôn.
Phát triển du lịch
sinh thái, du lịch văn hóa để phát huy giá trị các tài nguyên thiên nhiên, các
di tích lịch sử, đặc thù văn hóa các dân tộc của vùng. Phát triển du lịch nghỉ
dưỡng ở các địa điểm có khí hậu ôn đới.
Chú trọng phát
triển dịch vụ theo hướng khai thác tốt hạ tầng kinh tế, xã hội tại các khu kinh
tế, trong đó có các khu kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh giao thương với các nước
láng giềng. Khai thác các lợi thế liên quan đến phát triển các hành lang và
vành đai kinh tế trong quan hệ phát triển và trao đổi dịch vụ với các quốc gia
khác trong khu vực, quốc tế và với Trung Quốc.
c) Vùng biển,
ven biển và hải đảo:
Phát triển khu vực
dịch vụ gắn với thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đa dạng hóa
các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao, chất lượng cao với
cơ sở hạ tầng hiện đại, phương thức kinh doanh tiên tiến.
Phát triển đa dạng
các loại hình sản phẩm dịch vụ du lịch biển, đảo. Đầu tư xây dựng các khu du lịch
biển chất lượng cao, mang tầm quốc gia và khu vực. Phát triển mạnh dịch vụ vận
tải biển, dịch vụ khai thác dầu khí. Khai thác tốt tiềm năng phát triển cảng biển,
đẩy mạnh và phát triển tốt các hoạt động lo-gi-stic hỗ trợ cho hoạt động hàng hải.
d) Phát triển dịch
vụ tại khu vực nông thôn hướng tới xây dựng nông thôn mới:
Phát triển mạnh
dịch vụ cơ bản với hình thức và quy mô phù hợp đảm bảo phục vụ cho đời sống dân
cư nông thôn, phục vụ sản xuất nông nghiệp, làng nghề, tiêu thụ chế biến nông sản
và các hoạt động sản xuất công nghiệp khác gắn với các dạng năng lượng tái tạo
và bảo vệ môi trường.
Chú trọng phát
triển dịch vụ giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề với hình thức phù hợp
tại khu vực nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu
xây dựng nông thôn mới, khắc phục, hạn chế các tác động tiêu cực của quá trình
công nghiệp, đô thị hóa.
Phát triển các dịch
vụ thông tin, truyền thông nhằm tạo điều kiện nâng cao dân trí, đảm bảo người
dân được tiếp cận với thông tin với các cơ hội phát triển một cách công bằng,
hiệu quả và bền vững.
đ) Phát triển dịch
vụ gắn với phát triển các hành lang, vành đai kinh tế và các cực tăng trưởng có
ý nghĩa đối với cả nước và liên kết trong khu vực
Khai thác tiềm
năng, điều kiện đầu tư kết nối đồng bộ về hệ thống kết cấu hạ tầng trong chiến
lược hình thành trục kinh tế Bắc – Nam, các hành lang kinh tế Đông – Tây, các
hành lang kinh tế xuyên Á, các hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội –
Hải Phòng, Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng để phát triển khu vực dịch
vụ nhanh và hiệu quả. Hình thành các trung tâm hợp tác phát triển kinh tế lớn tại
các cửa khẩu trên các hành lang kinh tế. Phát triển các loại hình dịch vụ vận tải,
thương mại và đầu tư, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh để đảm bảo giao
thương nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hành lang kinh tế, kết nối được
các trung tâm phát triển trong nước và ngoài nước trên các tuyến hành lang.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình
hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược này; xác định cụ thể các nội dung,
nhiệm vụ của các Bộ, ngành, thời hạn hoàn thành cũng như nguồn lực để thực hiện;
bảo đảm việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của Chiến lược với các mục tiêu của
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của Trung ương và địa
phương; trình Thủ tướng Chính phủ trong đầu quý II năm 2011;
2. Căn cứ các mục
tiêu định hướng của Chiến lược và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình hành động thực hiện
Chiến lược theo chức năng, thẩm quyền; định kỳ hàng năm có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch
và Đầu tư.
3, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp tình hình
thực hiện Chiến lược, định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ
kết tình hình thực hiện Chiến lược vào năm 2015 và tổng kết tình hình thực hiện
Chiến lược vào năm 2020.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b)
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|