QUY ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC VỤ BẢO HIỂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 413/QĐ-BTC ngày 02/2/2005 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính)
I. Những quy định chung
Điều 1. Công chức Vụ Bảo hiểm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quy
định về trách nhiệm của công chức nhà nước được quy định tại Pháp lệnh cán bộ,
công chức số 01/1998/PL-UBTVQH10 ngày 26/02/1998 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
Pháp lệnh số 21/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/04/2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức; Pháp lệnh số
11/2003/PL-UBTVQH11 ngày 29/04/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ
sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức, các văn bản hướng dẫn thực hiện
các Pháp lệnh trên; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 8/9/1998 của Chính phủ về
Quy chế dân chủ trong cơ quan và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 2. Công chức Vụ Bảo hiểm có trách nhiệm:
1. Chấp hành đường lối chủ trương, chính sách của
Đảng và pháp luật của Nhà nước; thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Vụ Bảo
hiểm được quy định tại Quyết định số 134/2003/QĐ-BTC ngày 20/8/2003 của Bộ trưởng
Bộ Tài chính; thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước
quy định khi thực hiện nhiệm vụ công tác được giao.
3. Thực hiện nhiệm vụ được giao đúng, đầy đủ, kịp
thời theo những quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Quyết định số
3526/QĐ-BTC ngày 19/11/2003 về việc ban hành quy chế làm việc của Bộ Tài chính.
4. Chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong công tác,
không được trốn tránh trách nhiệm hoặc thoái thác nhiệm vụ, công vụ được giao;
không được gây bè phái mất đoàn kết, cục bộ; phong cách làm việc hòa nhã, lịch
sự và đúng chức trách, quy chế công vụ quy định; không được cửa quyền, hách dịch,
sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực
hiện nhiệm vụ.
5. Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Nghiêm
cấm việc lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực.
6. Thực hiện nội quy, quy chế làm việc của cơ
quan, chấp hành kỷ luật lao động, nghỉ việc phải xin phép và được sự đồng ý của
người phụ trách có thẩm quyền.
7. Bảo vệ, quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu
quả tài sản và phương tiện làm việc của cơ quan trong phạm vi trách nhiệm được
phân công. Mọi hành vi làm hư hỏng, mất mát tài sản Nhà nước đều bị xử lý kỷ luật,
bồi thường vật chất theo quy định.
8. Thực hiện bảo vệ bí mật nhà nước trong phạm
vi công việc được giao theo Quyết định số 237/2003/QĐ-TTg ngày 13/11/2003 của
Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật và tối mật trong
ngành Tài chính, Quyết định số 196/2003/QĐ-BTC ngày 02/12/2003 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính về việc ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Ngành Tài chính
và các quy định khác có liên quan.
9. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp
vụ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, hoàn thành xuất sắc
mọi nhiệm vụ được giao.
II. Những quy định cụ thể
Điều 3. Vụ trưởng:
1. Vụ trưởng là người đứng đầu, lãnh đạo, điều
hành mọi hoạt động của Vụ theo chế độ thủ trưởng; thực hiện nghiêm chỉnh các
quy định về nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao; chịu trách nhiệm trước Bộ
trưởng Bộ Tài chính về toàn bộ hoạt động của Vụ Bảo hiểm;
2. Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công
tác năm, quý, tháng, tuần của Vụ; sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện
chương trình, kế hoạch công tác. Thực hiện đầy đủ quy chế phối hợp công tác giữa
chính quyền với tổ chức Đảng và các đoàn thể trong Vụ. Thực hiện chế độ công
khai theo quy định.
3. Thực hiện phân công nhiệm vụ đối với các Phó
Vụ trưởng và công chức trong Vụ, điều hành hoạt động của Vụ; trực tiếp theo
dõi, chỉ đạo các Phó Vụ trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
4. Kiểm tra, đôn đốc công chức trong Vụ chấp
hành đầy đủ mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật lao động,
nội quy của cơ quan và bảo vệ tài sản cơ quan.
5. Tham gia với Vụ Tổ chức cán bộ trong việc tuyển
dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Vụ; quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo,
quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đề xuất với Lãnh đạo Bộ (qua Vụ Tổ chức
cán bộ) về bổ nhiệm, miễn nhiệm, tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật công chức thuộc
Vụ.
6. Chủ động phối hợp công tác giữa Vụ Bảo hiểm với
các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương theo quy
định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.
7. Khi đi công tác, đi họp hoặc nghỉ phép phải
báo cáo lãnh đạo Bộ và giao cho một Phó Vụ trưởng chịu trách nhiệm điều hành
công việc chung của Vụ. Kết thúc đợt công tác hoặc sau cuộc họp (đối với những
nội dung quan trọng cần thiết) phải báo cáo lãnh đạo Bộ và thông báo những vấn
đề liên quan đến các lĩnh vực, nhiệm vụ đã giao cho Phó Vụ trưởng và các công
chức có liên quan.
8. Khi Vụ trưởng ủy quyền cho Phó Vụ trưởng giải
quyết công việc thuộc thẩm quyền của Vụ trưởng thì Vụ trưởng phải chịu trách
nhiệm về những quyết định của Phó Vụ trưởng được ủy quyền.
9. Giải quyết những đề nghị của Phó Vụ trưởng
trong thời gian không quá 01 ngày làm việc; đối với những chính sách, chế độ
quan trọng, phức tạp không quá 02 ngày làm việc (trừ những nội dung nhiệm vụ đã
được lãnh đạo Bộ hoặc chế độ hiện hành quy định rõ thời gian thực hiện).
10. Chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ,
công vụ của công chức thuộc quyền quản lý theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm có trách nhiệm:
1. Chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng về những
công việc được Vụ trưởng phân công: tham gia với Vụ trưởng xây dựng chương
trình, kế hoạch công tác của Vụ; chủ động đề xuất các biện pháp thực hiện
chương trình, kế hoạch công tác theo lĩnh vực công tác được phân công đảm nhận.
2. Hướng dẫn và trao đổi với công chức trong Vụ
nghiên cứu các chính sách và chế độ có liên quan đến công việc, nhiệm vụ của Vụ,
của công chức theo phân công; tạo điều kiện cho công chức phát huy năng lực, chủ
động đề xuất ý kiến trong việc xây dựng chính sách chế độ, kiểm tra giám sát
thuộc nhiệm vụ được phân công.
3. Chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc
thực hiện chương trình công tác thường xuyên và các nhiệm vụ đột xuất của các
công chức được phân công phụ trách; chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc
thực hiện các công việc thuộc lĩnh vực phụ trách và các công việc cụ thể khác
được Vụ trưởng phân công. Giải quyết những nhiệm vụ do các công chức được phân
công phụ trách báo cáo trong thời gian không quá 01 ngày làm việc; đối với những
chính sách, chế độ quan trọng, phức tạp không quá 02 ngày làm việc (trừ những nội
dung nhiệm vụ đã được lãnh đạo Bộ hoặc chế độ hiện hành đã quy định rõ thời gian
thực hiện).
4. Báo cáo Vụ trưởng để trình lãnh đạo Bộ những
vấn đề về chính sách, chế độ quản lý nhà nước, tình hình thực hiện quy trình
giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ các doanh nghiệp bảo hiểm về kinh doanh bảo
hiểm theo chương trình, kế hoạch công tác hoặc do lãnh đạo Bộ phân công.
Thực hiện trình lãnh đạo Bộ các vấn đề về chuyên
môn quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; tham gia ý kiến với các đơn vị thuộc
Bộ và trả lời giải thích về chính sách, chế độ quản lý nhà nước về kinh doanh bảo
hiểm thuộc nhiệm vụ được phân công.
5. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo, phản ánh với Vụ
trưởng về tình hình công tác thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Xin ý kiến
của Vụ trưởng về các vấn đề phức tạp, vướng mắc trong công việc; những vấn đề về
tổ chức, thực hiện việc xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật; những đề xuất
cần đổi mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, chính sách, chế độ trong
quá trình tổ chức triển khai, kiểm tra đôn đốc tình hình thực hiện các chủ
trương, chính sách, văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực công tác được
phân công; những vấn đề cần phát hiện giải quyết sau khi thực hiện quy trình kiểm
tra giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm.
Trường hợp có những vấn đề cần giải quyết gấp
khi Vụ trưởng đi vắng không thể liên lạc để xin ý kiến, để bảo đảm thời gian,
Phó Vụ trưởng trao đổi với Phó Vụ trưởng được Vụ trưởng phân công điều hành
công việc chung của Vụ, báo cáo lãnh đạo Bộ để giải quyết kịp thời công việc,
sau đó báo cáo lại với Vụ trưởng.
6. Khi đi công tác, đi họp phải báo cáo Vụ trưởng
hoặc theo phân công của Vụ trưởng; thực hiện bàn giao công việc trong thời gian
đi công tác; kết thúc đợt công tác có báo cáo Vụ trưởng về kết quả đợt công tác
được phân công. Khi nghỉ phép phải báo cáo và được sự đồng ý của Vụ trưởng.
7. Trong trường hợp được Vụ trưởng phân công điều
hành công việc chung của Vụ khi Vụ trưởng đi vắng, phải chịu trách nhiệm trước
lãnh đạo Bộ về công việc của Vụ và báo cáo lại Vụ trưởng những vấn đề đã trình
Bộ giải quyết hoặc trực tiếp giải quyết.
8. Thực hiện và chịu trách nhiệm về những công
việc khác được Vụ trưởng phân công.
9. Chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ,
công vụ của công chức thuộc quyền quản lý theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm của công chức là chuyên viên:
1. Chấp hành phân công công tác của Vụ trưởng.
Căn cứ chương trình công tác của Vụ, xây dựng
chương trình công tác hàng tuần, tháng, quý, năm báo cáo Vụ duyệt và chịu trách
nhiệm thực hiện chương trình công tác được phân công.
Trách nhiệm của chuyên viên trong từng lĩnh vực
cụ thể như sau:
1.1. Đối với việc xây dựng chính sách chế độ:
Trong phạm vi công tác được giao có trách nhiệm
nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp quy của Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm
thuộc lĩnh vực được giao, báo cáo lãnh đạo Vụ phê duyệt để trình các cấp có thẩm
quyền theo quy định.
Tham gia xây dựng các chính sách, chế độ có liên
quan đến công tác quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm theo phân công.
1.2. Đối với việc thống kê, phân tích dự báo
tình hình thị trường:
Tổ chức thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống
kê thị trường bảo hiểm định kỳ và đột xuất; phân tích đánh giá, dự báo tình
hình phát triển của thị trường bảo hiểm.
1.3. Đối với việc thẩm định cấp phép:
Thẩm định các hồ sơ xin cấp, sửa đổi bổ sung,
thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo
hiểm và giấy phép đặt văn phòng đại diện của các công ty bảo hiểm, môi giới bảo
hiểm nước ngoài; thẩm định các sản phẩm để trình Bộ đăng ký và phê chuẩn.
1.4. Đối với việc kiểm tra giám sát:
Thực hiện quy trình giám sát từ xa và kiểm tra tại
chỗ các doanh nghiệp bảo hiểm.
Phân tích đánh giá tình hình tài chính, hoạt động
kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm; thực hiện việc kiểm tra, thanh
tra xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại tố cáo.
2. Chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả công việc
đã thực hiện trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được phân công và thời hạn được
giao. Trong trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, hay có nhiều ý kiến
khác nhau, chuyên viên phải xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Vụ trực tiếp phụ
trách lĩnh vực đó.
3. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực,
đầy đủ, đúng thời gian quy định của số liệu, tài liệu báo cáo và nội dung các
văn bản thuộc phạm vi công việc được giao. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của
số liệu, bảo đảm đúng chính sách chế độ, thẩm quyền quy định khi xử lý những
nhiệm vụ được phân công. Nghiêm cấm việc xử lý sai chế độ; sai thời gian; gây
khó khăn cho đối tượng quản lý; bỏ sót nhiệm vụ phải thực hiện.
Nghiêm cấm việc cung cấp tài liệu, số liệu thuộc
phạm vi bảo vệ bí mật Nhà nước sai chế độ quy định; cung cấp tài liệu, số liệu
chưa được quyền cung cấp, tiết lộ làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện nhiệm
vụ của Vụ, Bộ khi chưa có ý kiến đồng ý của Lãnh đạo Vụ.
4. Đi họp, đi công tác theo phân công của lãnh đạo
Vụ và phải báo cáo kết quả công việc với lãnh đạo Vụ. Không được tự ý đi họp,
đi công tác khi chưa được phân công.
5. Khi nghỉ giải quyết việc riêng, nghỉ phép phải
báo cáo lãnh đạo Vụ. Trường hợp nghỉ giải quyết việc riêng, nghỉ phép thời gian
từ 01 ngày trở lên phải có giấy đề nghị và được lãnh đạo Vụ duyệt.
6. Công chức là chuyên viên chịu sự lãnh đạo trực
tiếp của lãnh đạo Vụ có trách nhiệm báo cáo công tác trực tiếp với lãnh đạo Vụ
phụ trách.
7. Công chức dự bị có trách nhiệm thực hiện các
nghĩa vụ như đối với công chức và được hưởng các quyền lợi theo chế độ quy định.
Điều 6. Trách nhiệm về bảo đảm thời gian thực hiện nhiệm vụ:
1. Chuyên viên chuẩn bị ý kiến tham gia với các
đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ không quá 03 ngày làm việc đối với các công việc giải
quyết cụ thể đã có cơ chế chính sách, không quá 05 ngày làm việc đối với việc
tham gia cơ chế chính sách. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa rõ hoặc do vấn đề
phức tạp cần đề nghị bổ sung hồ sơ, thời gian chuẩn bị ý kiến tham gia không
quá 07 ngày làm việc, tính từ thời điểm nhận được hồ sơ bổ sung (trừ những nội
dung nhiệm vụ đã được lãnh đạo Bộ, Vụ quy định rõ thời gian thực hiện).
2. Xử lý các đơn khiếu nại của khách hàng tham
gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian không quá 05 ngày làm việc
kể từ ngày nhận được hồ sơ; trường hợp do hồ sơ chưa đầy đủ cần phải yêu cầu
khách hàng, đơn vị bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ, trong thời gian không quá 03 ngày
phải có đề nghị bổ sung hồ sơ và thời gian thực hiện tính từ thời điểm nhận được
đầy đủ hồ sơ. Trừ những nội dung nhiệm vụ đã được lãnh đạo Bộ, Vụ quy định rõ
thời gian thực hiện; hoặc đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật
có liên quan.
3. Trả lời các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa
phương, các doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng tham gia bảo hiểm về xử lý công
việc chuyên môn; giải thích, hướng dẫn chế độ, chính sách, nghiệp vụ bảo hiểm
trong thời gian không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị. Trừ những
nội dung nhiệm vụ đã được lãnh đạo Bộ, Vụ quy định rõ thời gian thực hiện; hoặc
đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 7: Khen thưởng và kỷ luật:
1. Công chức Vụ Bảo hiểm khi hoàn thành tốt công
việc được giao được xét khen thưởng theo chế độ quy định hiện hành.
2. Công chức Vụ Bảo hiểm trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ nếu do thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ,
làm ảnh hưởng đến tiến độ và chương trình công tác của Vụ thì tùy theo mức độ đối
với từng vụ việc bị xử lý kỷ luật theo từng mức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc
lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc theo những quy định hiện hành.
3. Trường hợp công chức không hoàn thành nhiệm vụ
do năng lực yếu, sau khi đã được lãnh đạo và tập thể giúp đỡ nhưng không khắc phục
được, thì lãnh đạo Vụ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chuyển công tác khác
cho phù hợp.
4. Trường hợp công chức vi phạm kỷ luật lao động,
vi phạm nội quy cơ quan và quy chế công vụ gây hậu quả thất thoát tài sản Nhà
nước, ảnh hưởng lớn, nghiêm trọng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, thực hiện
chương trình công tác của Vụ; lãnh đạo Vụ báo cáo Bộ lập Hội đồng kỷ luật xem
xét xử lý kỷ luật theo quy định hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp công chức quan liêu, cửa quyền,
sách nhiễu đơn vị, cá nhân trong quan hệ công tác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn
để trục lợi, tham nhũng hoặc bao che cho người vi phạm khuyết điểm, thì bị xử
lý theo quy định của pháp luật.
6. Trường hợp cán bộ lãnh đạo trực tiếp không
phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng, thiếu kiểm tra đôn đốc, quản lý cán bộ cấp dưới
dẫn đến việc cán bộ trực tiếp dưới quyền vi phạm khuyết điểm thì cũng liên đới
chịu trách nhiệm và xem xét kỷ luật tùy theo từng trường hợp cụ thể.
III. Điều khoản thi hành
Điều 8. Mọi công chức Vụ Bảo hiểm có trách nhiệm thực hiện Quy định
về chế độ trách nhiệm này./.