Quyết định 219/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 219/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/06/2022
Ngày có hiệu lực 02/06/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Phạm Văn Thiều
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 219/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 02 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 139/TTr-SNN ngày 13 tháng 4 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Tỉnh ủy;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Ngân hàng NNVN - CN tỉnh Bạc Liêu;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng TT-ĐT;
- Lưu: VT, (Trạng25).

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Thiều

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 219/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. QUAN ĐIỂM

1. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Nông nghiệp là nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, nền tảng văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực (tài nguyên đất, nước, không khí, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa) và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. Xây dựng nông thôn văn minh, có kết cấu hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, đời sống cơ bản có chất lượng tiến gần đô thị; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, an ninh trật tự được giữ vững; bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Phát triển kinh tế nông thôn đa dạng, chủ động tạo sinh kế nông thôn từ hoạt động phi nông nghiệp, tạo việc làm chính thức, thu hẹp khoảng cách thu nhập của nông dân giữa nông thôn, thành thị và giảm di cư lao động ra các thành phố lớn. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng, phù hợp với từng vùng của địa phương, gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; tập trung xây dựng nông thôn mới cấp cơ sở ở những nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer và vùng sâu, vùng xa.

4. Cư dân nông thôn là chủ thể, trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn. Đổi mới hình thức hoạt động các tổ chức của nông dân dâm bảo thực chất, hiệu quả; hỗ trợ đào tạo, trao quyền cho người dân để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, quản lý tài nguyên môi trường; phát huy nội lực, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các điều kiện phát triển và hưởng thụ phúc lợi xã hội. Phát triển kinh tế hợp tác làm động lực gắn kết kinh tế hộ, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Phát triển cộng đồng làm nền tảng trong phát triển nông thôn, góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên, môi trường, kết cấu hạ tầng; xây dựng nếp sống mới, phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm”, tự chủ, sáng tạo của người dân nông thôn.

5. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua hợp tác công tư; tạo điều kiện, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa nông thôn với thành thị và giữa các địa phương với nhau. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu; trọng tâm là tôm ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị; lúa gạo chất lượng cao gắn với phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp lợi thế của từng vùng; phát triển bền vững, toàn diện kinh tế biển theo hướng hiện đại gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, phát huy vai trò là trụ cột của nền kinh tế, góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

- Duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Khai thác, sử dụng có hiệu quả Dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đến năm 2030 có từ 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên (trong đó có từ 09 vùng nuôi trồng thủy sản trở lên và 01 vùng sản xuất giống thủy sản, quy mô diện tích 4.070 ha).

- Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản đạt 2.000 triệu USD (trong đó thủy sản ước đạt 1.500 triệu USD). Khoảng 40% sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh xuất khẩu có thương hiệu, 70% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc và khoảng 60% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản qua chế biến và chế biến sâu.

[...]