Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1971/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 150/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 1971/KH-UBND
Ngày ban hành 23/06/2022
Ngày có hiệu lực 23/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Văn Phong
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1971/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 23 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 150/QĐ-TTg NGÀY 28/01/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; cụ thể:

- Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, tiếp tục thực hiện an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp hiện đại, bền vững, nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

- Phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có hệ sinh thái phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 6 - 6,5%/năm.

- Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông làm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm.

- Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3,0 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 30%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 60%.

- Toàn tỉnh có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 03 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 43%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 14.000 ha.

- Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển tỉnh.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Phấn đấu Bình Thuận có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

II. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN BỀN VỮNG

1. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường

Nghiên cứu, xác định cụ thể và ưu tiên tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh, địa phương theo 02 nhóm sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương); xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương của tỉnh và liên kết vùng, kết nối chuỗi giá trị.

- Định hướng theo nhóm sản phẩm chủ lực:

+ Đối với nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh: Đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.

+ Đối với nhóm sản phẩm đặc sản địa phương có quy mô nhỏ, tập trung vào các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy bản sắc, lợi thế của các địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP của tỉnh trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

- Đối với từng lĩnh vực sản xuất chiến lược:

+ Trồng trọt: Đẩy mạnh cơ cấu lại cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có điều kiện kết hợp nông nghiệp với du lịch; có bước đi phù hợp để thúc đẩy phát triển các cây trồng mới có triển vọng như cây dược liệu, cây cảnh,... Tận dụng điều kiện để phát triển hợp lý các cây trồng ít lợi thế hơn nhằm phục vụ chế biến và tiêu dùng trong nước (ngô, mì, …).

+ Chăn nuôi: Phát triển các ngành hàng có tiềm năng và thị trường như thịt gia cầm, trứng; duy trì chăn nuôi lợn và bò. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học, và dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ. Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh. Quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

+ Thủy sản: Phát triển khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác, cân đối với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, tái bố trí sinh kế của cộng đồng ngư dân sang phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ du lịch,... Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ hợp lý. Tăng cường bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế hợp tác thu hút đầu tư doanh nghiệp để hiện đại hóa quản lý nguồn lợi thủy sản và hoạt động của đội tàu khai thác, hoàn chỉnh đầu tư dịch vụ hạ tầng cơ sở nghề cá tại các vùng tập trung ngư trường, hải đảo.

[...]