Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1877/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Số hiệu 1877/KH-UBND
Ngày ban hành 03/06/2022
Ngày có hiệu lực 03/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Hà Trọng Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1877/KH-UBND

Lai Châu, ngày 03 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 150/QĐ-TTG NGÀY 28/01/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Gắn nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển rừng bền vững, xây dựng nông thôn mới.

- Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đa dạng, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

- Xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ; phát triển nông thôn gắn với du lịch, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp, an ninh được giữ vững, phát triển môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

2. Yêu cầu

Bám sát nội dung Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản của Trung ương, của tỉnh để cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo hướng canh tác thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, hiệu quả, bền vững. Từng bước phát triển nông thôn của tỉnh một cách toàn diện, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt trên 5%/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 230.000 tấn. Ổn định 3.500 ha lúa hàng hóa, trong đó có khoảng 2.000 ha lúa đặc sản. Giữ ổn định và đầu tư thâm canh diện tích chè trên 10.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 90.000 tấn/năm. Diện tích mắc ca đạt khoảng 35.000ha. Sản lượng mủ cao su đạt khoảng 14.000 tấn/năm. Phát triển trên 9.800 ha cây ăn quả tập trung. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt bình quân 5%/năm. Trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác 35.000 ha, nâng tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh lên trên 55.000 ha.

- Nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập bình quân của cư dân nông thôn đạt khoảng 60 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân khu vực nông thôn đạt 2 - 3%/năm.

- Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bình quân trên 9.000 lao động/năm; Giảm tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông - lâm - thủy sản xuống còn 54,2%; Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt trên 70%.

- Có 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có thêm 03 huyện (Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường) đạt chuẩn nông thôn mới.

- Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường ở nông thôn; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 56%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 1.000 ha.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Phấn đấu tỉnh Lai Châu trở thành tỉnh có nền nông nghiệp phát triển trung bình của cả nước với nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, thân thiện với môi trường, gắn với du lịch; xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến sâu tại các vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu và phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Xây dựng nông thôn văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập cư dân nông thôn tiệm cận với khu vực thành thị.

III. NHIỆM VỤ

1. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển hàng hóa tập trung

Phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh cùng với xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, gắn với xây dựng các cơ sở chế biến sâu. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu.

- Về trồng trọt: Đổi mới cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực được xác định trong đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh như: Mắc ca, cao su, chè, lúa gạo, cây ăn quả nhiệt đới, rau hoa củ quả… cùng với phát triển các sản phẩm đặc hữu của tỉnh như cây dược liệu. Thực hiện hỗ trợ giống trồng mới, vật tư phân bón và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất an toàn. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trực tiếp đầu tư hoặc liên kết với nông dân trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ tập trung đất đai, hỗ trợ áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong sản xuất.

Giữ vững diện tích 3.500ha lúa hàng hóa, trong đó có khoảng trên 50% diện tích lúa đặc sản địa phương. Phát triển trồng mới các giống chè chất lượng cao như Kim tuyên, PH8, Shan... Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ hiện có. Nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu chè Lai Châu. Duy trì chăm sóc, quản lý bảo vệ tốt diện tích cao su hiện có, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sản lượng khai thác, tăng thu nhập từ cao su. Sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường trong chế chế biến mủ cao su. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học và chỉ đạo chặt chẽ việc đảm bảo tuân thủ quy trình kỹ thuật trong phát triển cây ăn quả (làm đất, giống, chăm sóc...). Khuyến khích doanh nghiệp liên kết với người dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để phát triển cây ăn quả bền vững. Phát triển trồng rau, củ quả, hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất các loại rau chính vụ, trái vụ, liên kết cung cấp cho các nhà máy chế biến... Riêng loài hoa địa lan, tập trung tại các xã vùng cao huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường và một số vùng lân cận có điều kiện phù hợp. Thực hiện hỗ trợ tập trung đất đai để thu hút doanh nghiệp trực tiếp đầu tư hoặc liên kết với nông dân trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mắc ca.

- Về chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi toàn diện, trong đó tập trung chăn nuôi lợn và gia cầm; chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt, những sản phẩm có tiềm năng và lợi thế theo hướng tăng nhanh năng suất, sản lượng và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho nhu cầu trong tỉnh và xuất ra ngoài tỉnh; đồng thời phát triển sản phẩm chăn nuôi đặc sản của vùng, địa phương; thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo nhu cầu thị trường, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc liên kết chặt chẽ giữa sản xuất chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, trong đó các khâu của quá trình sản xuất đều được kiểm soát, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Củng cố, khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong chăn nuôi; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi theo phương thức truyền thống chuyển dần sang phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung trang trại, công nghiệp. Trong đó thực hiện cải tạo đàn trâu, bò địa phương bằng việc thụ tinh nhân tạo hoặc phối giống trực tiếp từ con giống đực có thể trạng tốt, năng suất cao như: Bò 3B, lai Sind, trâu ngố... Đối với chăn nuôi lợn, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng chuồng trại tập trung, làm hầm biogas, sử dụng đệm lót sinh học, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh phát triển đàn ngựa, dê, thỏ theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn chăn nuôi với chế biến và thị trường tiêu thụ. Khai thác tiềm năng đất đai, rừng để hình thành, phát triển nghề nuôi ong trên địa bàn toàn tỉnh. Khuyến khích nuôi thả đàn ong theo hướng tự nhiên, kiểm soát dịch bệnh, áp dụng quy trình sản xuất chăn nuôi an toàn sinh học, thân thiện môi trường.

- Về thủy sản: Phát triển đa dạng các sản phẩm thủy sản phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển mở rộng vùng nuôi cá lồng, cá nước lạnh với các giống đặc sản có giá trị cao như: Cá lăng, chiên, tầm, hồi... Tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị; đẩy mạnh việc áp dụng các thành tựu mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học để triển khai nhân rộng các mô hình nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nâng cao công tác phòng bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh trong trị bệnh để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Ứng dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng trong hoạt động sản xuất thủy sản, giảm thiểu các tác động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Khuyến khích áp dụng truy xuất nguồn gốc, cấp nhãn hiệu, chỉ dẫn vùng nuôi để xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hoạt động sơ chế, chế biến thủy sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm.

[...]