Quyết định 2156/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2020

Số hiệu 2156/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/04/2015
Ngày có hiệu lực 15/04/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Huỳnh Đức Thơ
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2156 /QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 15 tháng 4 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU KINH TẾ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020;

Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ triển khai trong ba năm 2013-2015 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020;

Căn cứ Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 08/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 1821-CV/TU ngày 27 tháng 01 năm 2015;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

PHẦN I

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

I. Quan điểm tái cơ cấu kinh tế

1. Tái cơ cấu kinh tế thành phố đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung và trở thành thành phố môi trường theo Kết luận số 75-KL/TW ngày 12/11/2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) và Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 08/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, đồng thời tái cơ cấu kinh tế là thời cơ để chủ động triển khai mô hình Chính quyền đô thị.

2. Tiếp tục thực hiện và đổi mới các cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu các rào cản, tạo động lực khuyến khích chuyển dịch, phân bổ và sử dụng các yếu tố sản xuất, nhất là vốn và nguồn nhân lực theo cung cầu của thị trường. Nâng cao năng lực và hiệu lực quản trị, phát huy vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách, đòn bẩy kinh tế phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế, giảm thiểu sử dụng các biện pháp can thiệp hành chính.

3. Tái cơ cấu đầu tư theo hướng tăng đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư, trong đó đầu tư công tập trung cho phát triển hạ tầng, những lĩnh vực là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, những ngành mũi nhọn và là động lực để thu hút đầu tư đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước để phục vụ quá trình tái cơ cấu kinh tế, nhất là thu hút đầu tư các dự án có tiềm năng về vốn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao và công nghệ sạch.

4. Phát huy lợi thế cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế thành phố. Phát triển mạnh kinh tế dịch vụ, du lịch và công nghiệp công nghệ cao; duy trì cơ cấu kinh tế “dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp” theo hướng phát triển đa dạng các loại hình và ngành, nghề kinh doanh, có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh của tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài nước theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, ổn định và bền vững.

II. Mục tiêu và định hướng các trọng tâm tái cơ cấu

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện tái cơ cấu kinh tế thành phố gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững, xây dựng đẳng cấp và sự khác biệt nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung, một trong những đô thị lớn của cả nước.

Duy trì cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Nẵng là: Dịch vụ, Công nghiệp - Xây dựng, Nông nghiệp; tập trung nâng cao chất lượng từng lĩnh vực trong cơ cấu được xác định. Cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là: Dịch vụ: 62-65%; Công nghiệp - Xây dựng: 35-37%; Nông nghiệp: 1-3%[1].

2. Mục tiêu cụ thể và định hướng các trọng tâm tái cơ cấu

2.1. Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công

Tái cơ cấu đầu tư phải dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh và các lợi thế so sánh (năng lực cốt lõi) về vai trò, vị trí, các điều kiện tự nhiên, các nguồn lực về cơ sở hạ tầng sẵn có, các nguồn tài nguyên đất đai, con người và các nguồn lực khác nhằm khai thác và phát triển thành phố một cách bền vững. Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, huy động phân bổ và sử dụng nguồn vốn đầu tư nhà nước; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng các dự án đầu tư.

2.2. Tái cơ cấu thu, chi ngân sách

- Huy động tối đa các nguồn thu, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng các khoản thu phát sinh kinh tế, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương; tiếp tục khuyến khích phát triển quỹ đất, làm tăng giá trị đất đai để tạo nguồn thu đồng thời tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Tăng cường các giải pháp hiệu quả, hợp lý để tăng thu ngân sách; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước các khoản thu về thuế, phí, lệ phí,… Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chống gian lận, trốn lậu thuế.

[...]