Kế hoạch 30/KH-UBND năm 2016 tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 thành phố Cần Thơ

Số hiệu 30/KH-UBND
Ngày ban hành 10/03/2016
Ngày có hiệu lực 10/03/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thành Thống
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 10 tháng 3 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TÁI CƠ CẤU KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỔNG THỂ TÁI CƠ CẤU KINH TẾ GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

A. Công tác triển khai và kết quả nhiệm vụ thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế:

Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã ban hành Chương trình 07/CTr-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2013 triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành phố Cần Thơ giai đoạn 2013 - 2020.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ triển khai trong ba năm 2013 - 2015 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2015, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2013 thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, xây dựng một số nhiệm vụ trọng tâm, với những giải pháp, phân công thực hiện cụ thể đối với từng sở, ngành, UBND quận, huyện nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành phố Cần Thơ giai đoạn 2013 - 2020 tại Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2013; bước đầu đã đi vào hoạt động ổn định trong việc chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch; thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công ở các ngành, các cấp, nhất là các cấp cơ sở theo hướng đảm bảo sự chỉ đạo, tập trung, thống nhất, duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định; tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị.

B. Kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2015

Qua 3 năm 2013 - 2015 triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đã từng bước đảm bảo chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy nền kinh tế thành phố phát triển hiệu quả, bền vững hơn những năm trước; các nguồn lực phát triển được huy động và phát huy hiệu quả ngày càng cao; các tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật về cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh; kết cấu hạ tầng được nâng cấp đồng bộ hơn, năng lực và trình độ sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực được nâng lên, các doanh nghiệp đã chủ động thích nghi dần với hội nhập kinh tế quốc tế; kinh tế đối ngoại tiếp tục được củng cố và phát triển, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, kết quả cụ thể các mặt đạt được như sau:

I. Tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng:

1. Tái cơ cấu đầu tư công:

Thành phố đã tăng cường huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng, đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư bằng các hình thức thích hợp. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng phát triển.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm 2013 - 2015 thực hiện 114.364 tỷ đồng, trong đó năm 2015 là 40.020 tỷ đồng, tăng 10,8% so thực hiện năm 2013; trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm 2013 - 2015, vốn đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước 46.097 tỷ đồng, chiếm 40,30%; vốn trong nước ngoài ngân sách 65.007 tỷ đồng, chiếm 56,85%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 3.260 tỷ đồng, chiếm 2,85%: so với cơ cấu huy động bình quân của 02 năm 2011 - 2012, tỷ trọng đầu tư bằng vốn ngân sách giảm 2,2%, vốn trong nước ngoài ngân sách tăng 2,2%, tỷ trọng vốn FDI tương đương trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội. Quá trình chuyển dịch tỷ trọng cơ cấu đầu tư phù hợp với chủ trương tái đầu tư công của Đảng và Nhà nước: Giá trị tuyệt đối về đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tăng nhưng giảm dần về tỷ trọng trong cơ cấu đầu tư chung. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách, tăng dần vốn đối ứng các dự án ODA, NGO, đã đáp ứng các yêu cầu cam kết; không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản.

2. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước:

Công tác sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015 với số doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện sắp xếp có 09 doanh nghiệp; bao gồm: Tiếp tục duy trì 2 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước[1]; chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; thực hiện cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ 5 Công ty TNHH một thành viên[2] và và 1 doanh nghiệp thuộc hệ Đảng là Công ty TNHH một thành viên Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ[3]; kết quả thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố đến nay đạt được như sau:

- Duy trì 02 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: Đã hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động so với trước đây. UBND thành phố đã quan tâm, chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp nêu trên nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”; đến thời điểm hiện nay, Đề án tái cơ cấu của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ và Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ đang hoàn chỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thoái vốn khỏi những ngành nghề kinh doanh không phải là ngành nghề kinh doanh chính đang được Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố.

- Chuyển đổi Nông trường Sông Hậu: UBND thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án chuyển đổi Nông trường Sông Hậu và Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản lấy ý kiến các Bộ, ngành; đã hoàn chỉnh Đề án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với 05 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa: Đã cổ phần hóa 04/05 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn, đạt 80% so với phương án đã được phê duyệt với tổng vốn nhà nước bán ra lần đầu thành công 181,4 tỷ đồng; riêng Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà thành phố Cần Thơ chưa thực hiện xong và hiện đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.

- Đối với Công ty TNHH một thành viên Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ: Công ty tiếp tục thực hiện xử lý tài chính và đề xuất các phương án để hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu trình UBND thành phố và Thành ủy xem xét theo quy định.

3. Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng:

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn về năng lực và chất lượng hoạt động đang dần được nâng lên; đã chủ động và tự nguyện thực hiện phương án sáp nhập, hợp nhất không chỉ đối với tổ chức tín dụng yếu kém tiềm ẩn rủi ro mà còn xuất phát giữa các ngân hàng lành mạnh với nhau; góp phần khai thác tối đa lợi thế của từng đơn vị tham gia hợp nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2013 - 2015 như sau:

Đối với Ngân hàng TMCP có trụ sở chính trên địa bàn: Trong năm 2013, thực hiện Quyết định số 734/QĐ-NHNN ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015”, thành phố có 01 tổ chức tín dụng có trụ sở chính là Ngân hàng TMCP Phương Tây (WTB) phải thực hiện tái cơ cấu. Thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, WTB chủ động tìm đối tác hợp nhất trên tinh thần tự nguyện WTB và Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC). Ngày 12 tháng 9 năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 2018/NHNN-TTGSNH.m, chấp thuận về việc hợp nhất WTB và PVFC thành Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam. Ngày 01 tháng 10 năm 2013, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (ngân hàng hợp nhất) chính thức hoạt động.

- Đối với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND): Trên địa bàn có 08 QTDND đang hoạt động tại 3 quận (Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy) và 1 huyện (Vĩnh Thạnh); thực hiện kế hoạch triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại QTDND, NHNN chi nhánh đã chỉ đạo 4/8 QTDND trên địa bàn bị đánh giá là yếu kém tự củng cố chấn chỉnh tình hình hoạt động, thực hiện cơ cấu lại, đồng thời tạo điều kiện cho các QTDND bình thường tiếp tục phát triển.

+ Đối với 3 QTDND yếu kém: Đến nay về cơ bản có 02/03 Quỹ đã tích cực khắc phục các tồn tại, yếu kém (qua rà soát xếp loại năm 2015 khả năng đạt loại 1, 2); còn 1/3 Quỹ chưa đạt nội dung, lộ trình do vướng tỷ lệ nợ xấu trên 3% và kết quả kinh doanh năm bị lỗ (do thực hiện trích dự phòng rủi ro).

+ Đối với 1 QTDND đang được kiểm soát đặc biệt: Đến nay, Quỹ vẫn không có khả năng phục hồi hoạt động bình thường.

Đối với 02 Chi nhánh TCTD được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua cổ phần bắt buộc, 01TCTD bị kiểm soát đặc biệt: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ đã thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ các chi nhánh TCTD bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền; đến nay, các chi nhánh TCTD đã dần ổn định, tuy nhiên nợ xấu còn cao, tài sản sinh lời không lớn, chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế, rủi ro còn tiềm ẩn.

II. Tái cơ cấu nền kinh tế, ngành và lĩnh vực:

[...]