Kế hoạch 2505/KH-UBND năm 2023 về tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030

Số hiệu 2505/KH-UBND
Ngày ban hành 03/05/2023
Ngày có hiệu lực 03/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Minh Cảnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2505/KH-UBND

Bến Tre, ngày 03 tháng 05 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 (gọi tắt là Quyết định số 165/QĐ-TTg); Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch Tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

- Lồng ghép các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vào triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm đưa ngành công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch một cách đồng bộ và hiệu quả.

- Bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Trung ương và phân cấp quản lý hiện hành.

II. QUAN ĐIỂM

Thực hiện nhất quán 05 quan điểm chỉ đạo được nêu tại Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 165/QĐ- TTg ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 Bến Tre cơ bản đạt được các tiêu chí là tỉnh có cơ cấu nền công nghiệp hiện đại, vững mạnh với khả năng thích ứng, chống chịu cao.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt khoảng 25% vào năm 2030.

- Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng; đảm bảo phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện truyền tải đáp ứng khả năng chuyển tải công suất nguồn điện được thực hiện; phấn đấu tiết kiệm năng lượng đạt mức 3% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển bình thường.

- Duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 13-15%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 14-18%/năm.

IV. NHIỆM VỤ

1. Về tái cơ cấu ngành công nghiệp

a) Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm. Phấn đấu tốc độ chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,5-9%/năm.

Tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. Chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Bến Tre trong chuỗi giá trị. Xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp.

b) Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP khoảng 25% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 8-9%/năm. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án phát triển các ngành công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:

- Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực:

+ Công nghiệp chế biến thủy sản: Phát triển công nghiệp này theo hướng chất lượng, bền vững và gắn với các vùng nguyên liệu sẵn có; ưu tiên kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư chế biến thủy sản xuất khẩu với công nghệ hiện đại, chú trọng đầu tư chiều sâu, tận dụng các phế phẩm để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển các chuỗi khép kín: nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu thủy hải sản công nghệ cao; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản, từng bước khẳng định vị thế của ngành chế biến thủy sản Bến Tre trên thị trường quốc tế.

+ Công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa: Tăng tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao, gắn với đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Khuyến khích kêu gọi đầu tư theo chiều sâu, phát triển các sản phẩm mới; xây dựng thương hiệu, uy tín cho công nghiệp chế biến dừa, tăng cường khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế; đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra nhiều sản phẩm từ dừa có giá trị gia tăng cao, phục vụ phát triển ngành dừa.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ