Quyết định 2049/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 2049/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/10/2012
Ngày có hiệu lực 17/10/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tiến Phương
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2049/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 17 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24/6/2010 quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1994/TTr-SGTVT ngày 08 tháng 8 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Bình Thuận, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2049/QĐ-UBND ngày 17/10/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận)

ĐẶT VẤN ĐỀ

Bình Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng Nam Trung Bộ, có mối liên hệ và nằm trong khu vực ảnh hưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Đông - Nam giáp biển Đông, Đông-Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đông Nam giáp biển Đông với bờ biển dài 192km và vùng lãnh hải rộng: 52.000km2. Ngoài khơi có đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 120 km. Tổng diện tích tự nhiên: 781.292 ha. Bình Thuận có vị trí địa lí từ: 10033'42" đến 11033'18" vĩ độ Bắc và từ 107023'41" đến 108052 '42" kinh độ Đông.

Có khoảng cách đến thành phố Hồ Chí Minh theo tuyến Quốc lộ 1 là 200 km, giao thông đối ngoại có Quốc lộ 1 với chiều dài 181 km và 180 km đường sắt Thống Nhất chạy qua, nối Bình Thuận với các tỉnh phía Bắc và phía Nam của cả nước; Quốc lộ 28 nối liền Phan Thiết với các tỉnh Nam Tây Nguyên; Quốc lộ 55 nối liền với trung tâm dịch vụ dầu khí và du lịch Vũng Tàu.

Với vị trí địa lý như trên tạo cho Bình Thuận giao lưu kinh tế thuận lợi, đặc biệt là điểm đến du lịch từ các nơi trong cả nước, nhất là Tp.Hồ Chí Minh; các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng Duyên Hải. Về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở tỉnh đã đi vào hoạt động được 6 năm. Kết quả vận tải hành khách của tỉnh đã vận chuyển hàng chục triệu lượt hành khách, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm về tính mạng, sức khỏe của người dân khi tham gia giao thông nhất là thành phố Phan Thiết và các huyện lân cận.

Song vận tải hành khách bằng xe buýt còn gặp một số những khó khăn và tồn tại nhất định, như mạng lưới tuyến chưa hoàn chỉnh; công tác quản lý của ngành chưa đồng bộ, chưa ban hành được các cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển phù hợp cho xe buýt. Do vậy, quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 là yêu cầu thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân, giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính của tỉnh.

Trước tình hình nêu trên, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 về phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thực hiện “Quy hoạch Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”.

Phần 1

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG QUY HOẠCH

I. Thực trạng:

1. Mạng lưới đường bộ:

[...]