Quyết định 1481/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt Đề án tái cơ cấu vận tải biển đến năm 2020 do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 1481/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 27/04/2015
Ngày có hiệu lực 27/04/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1481/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU VẬN TẢI BIỂN ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 3177/QĐ-BGTVT ngày 20/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu vận tải biển đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm          

- Tái cơ cấu vận tải biển phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013; Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam, định hướng tái cơ cấu ngành giao thông vận tải và chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Tái cơ cấu vận tải biển phải phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết của Đảng; chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh, bền vững, ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, củng cố an ninh quốc phòng và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

- Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước, phát triển vận tải biển đồng bộ, hài hòa với các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không; ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, hiện đại; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics để tạo nên một hệ thống vận tải đồng bộ, liên hoàn và hiệu quả.

- Phát triển vận tải biển theo hướng hiện đại với chất lượng ngày càng cao, chi phí hợp lý, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; tăng sức cạnh tranh để chủ động hội nhập và mở rộng thị trường vận tải biển trong khu vực và thế giới.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

- Phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý và phát triển bền vững, tăng thị phần vận tải đường biển và đường thủy nội địa, đường sắt, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính;

- Nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận tải và đảm bảo an toàn, an ninh và môi trường;

- Phát triển vận tải đa phương thức, logistics và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải với vận tải đường biển.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả; chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dụng có trọng tải lớn. Đến năm 2015, tổng trọng tải đội tàu đạt khoảng từ 4,7 đến 5,2 triệu DWT và khoảng từ 6,8 đến 7,5 triệu DWT vào năm 2020;

- Tái cơ cấu vận tải biển theo hướng chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tuyến quốc tế, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc dầu, ga, khí hóa lỏng, xi măng…;

- Nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25 - 30%. Phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo. Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa là 21,25%, vận tải hành khách là 0,07% so với khối lượng vận tải toàn ngành giao thông vận tải;

- Phát triển thị trường vận tải biển bảo đảm khả năng hỗ trợ cho vận tải đường bộ, đường sắt và đường hàng không; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đến năm 2020 giảm 15-20% chi phí hiện tại;

[...]