Quyết định 4910/QĐ-BGTVT năm 2014 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực đường thủy nội địa đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 4910/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 24/12/2014
Ngày có hiệu lực 24/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4910/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU LĨNH VỰC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông Đường thủy nội địa Việt Nam năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông Đường thủy nội địa năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 3177/QĐ-BGTVT ngày 20/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực đường thủy nội địa đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Tái cơ cấu lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể ngành Giao thông vận tải theo Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020.

- Tái cơ cấu đầu tư công kết hợp huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, nâng cao năng lực, thị phần vận tải thủy nội địa. Tập trung đầu tư các công trình trọng điểm bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các cảng đầu mối, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn bằng hệ thống giao thông đồng bộ; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tại các vùng miền để phát triển kinh tế.

- Phát triển vận tải thủy nội địa kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác; chú trọng khai thác tối đa lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên của mạng lưới sông, kênh, rạch trên khắp đất nước, đặc biệt là tiềm năng vận tải ven biển tạo sự kết nối vận tải thủy nội địa giữa các vùng, miền trong cả nước.

- Nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa, nhằm tăng thị phần vận tải thủy nội địa, giảm bớt gánh nặng cho vận tải đường bộ.

- Kết hợp hài hòa giữa mục tiêu quan trọng, cấp bách với các mục tiêu cơ bản, dài hạn theo hướng phát triển bền vững; khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có kết hợp đầu tư mới để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

- Tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng; đổi mới toàn diện, triệt để và nâng cao năng lực, chất lượng công tác quản lý nhà nước của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực đường thủy nội địa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 theo hướng bền vững, hiệu quả và đáp ứng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phát huy lợi thế của giao thông đường thủy nội địa, chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn (khoáng sản, xi măng, vật liệu xây dựng...), vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải chuyển tiếp phục vụ nông thôn; tăng thị phần đảm nhận của vận tải thủy nội địa, vận tải sông pha biển.

- Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh bằng đường thủy nội địa đạt khoảng 32,38%, giai đoạn 2015 - 2017 phấn đấu đạt khoảng 17,8% đến 19%, từ năm 2018 đến 2019 đạt từ 19% đến 27%, từ năm 2019 đến năm 2020 đạt 32,38%; vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 0,17% khối lượng vận tải toàn Ngành, trong đó, từ năm 2015 đến 2018 phấn đấu đạt khoảng 0,15%, từ năm 2018 đến 2020 đạt 0,17%.

- Phát triển phương tiện thủy nội địa theo hướng cơ cấu hợp lý: đội tàu lai dắt chiếm khoảng 30%, đội tàu tự hành chiếm khoảng 70% trong tổng số phương tiện thủy nội địa; ưu tiên phát triển đội tàu chở công - ten - nơ.

- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình. Tăng cường hiệu quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đổi mới thể chế chính sách tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

- Tách bạch rõ công tác quản lý nhà nước, quản lý hạ tầng của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và công tác sản xuất, duy tu, bảo trì đường thủy nội địa của các doanh nghiệp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ