Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 79/2016/NQ-HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 79/2016/NQ-HĐND
Ngày ban hành 15/12/2016
Ngày có hiệu lực 01/01/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/2016/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 15 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVI - KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 2577/QĐ-BTC ngày 29/11/2016 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 299/BC-UBND ngày 06/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh.

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

A. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016

I. Kết quả chủ yếu

Năm 2016, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Kế hoạch 5 năm 2016-2020; tình hình thế giới và khu vực diễn biến khó lường; trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, kịp thời ban hành đầy đủ các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 đạt được kết quả khá toàn diện.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,1%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 44,5 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp, thủy sản 13,2% - công nghiệp, xây dựng 49,7% - dịch vụ 37,1%. Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, giá trị sản xuất tăng 2,53%. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt 82.251 ha, trong đó gieo cấy lúa 74.158 ha, giảm 3.318 ha; năng suất lúa bình quân đạt 61,7 tạ/ha. Diện tích lúa giảm chủ yếu do chuyển đổi trồng lúa từ hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, phát triển trang trại, năm 2016 chuyển đổi được 1.373 ha. Diện tích và giá trị của các loại cây khác đều tăng so với năm 2015. Chăn nuôi gia súc, gia cầm chuyển dịch tích cực, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Thực hiện hiệu quả cải tạo chất lượng sản phẩm, cơ cấu con giống, đưa tỷ lệ đàn bò lai 3 máu lên khoảng 38%, tỷ lệ nạc hóa đàn lợn đạt trên 80%, bò lai sind đạt gần 100%, tỷ lệ gà lông màu đạt gần 90% (gà Đông Tảo và Đông Tảo lai đạt 20%). Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, dự kiến hết năm 2016, bình quân toàn tỉnh đạt 16,1 tiêu chí/xã, tăng 1,4 tiêu chí/xã so với năm 2015, có 60 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí, đạt 41,38%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 9,54%. Kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu 3.197 triệu USD. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư tăng mạnh, năm 2016 thu hút đầu tư 194 dự án mới với số vốn đăng ký trên 13 nghìn tỷ đồng và 334,55 triệu USD. Thu ngân sách 9.009 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa 6.300 tỷ đồng; chi ngân sách 7.535 tỷ đồng, trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.923 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 28.200 tỷ đồng. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tiếp tục được chú trọng; hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh; cơ bản hoàn thành dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng giao thông vận tải tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, các dự án giao thông đang được đẩy nhanh tiến độ, quản lý vận tải được quan tâm, chú trọng, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Công tác giáo dục y tế, văn hóa, lao động, đạt được nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,92%; tỷ lệ hộ nghèo dự kiến còn 5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%, tạo thêm việc làm mới 2,18 vạn lao động; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 76,6%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 76,2%; tỷ lệ làng, khu phố văn hóa 86%, tỷ lệ gia đình văn hóa 89%. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh đảm bảo trật tự an toàn xã hội được tăng cường.

II. Hạn chế, yếu kém

Việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở một số ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; kinh tế tập thể, kinh tế trang trại còn hạn chế. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án lớn, trọng điểm còn chậm. Công tác quản lý và sử dụng đất đai vẫn còn hạn chế; một số địa phương chưa tích cực chỉ đạo dồn thửa đổi ruộng. Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa kiên quyết; còn diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông, bán lớp đất màu. Hoạt động quản lý vận tải còn yếu; vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn diễn ra khá phổ biến. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm; chất lượng dạy nghề ở một số cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu; vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và sinh con thứ 3 trở lên vẫn ở mức cao. Tình trạng vi phạm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục.

B. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CƠ BẢN 2017

I. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục ổn định kinh tế, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá kiểm soát giá cả, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; huy động mọi nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tập trung tinh giản biên chế. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

II. Các chỉ tiêu chủ yếu

Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 8%. Giá trị sản xuất nông nghiệp-thủy sản tăng 2,6%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9%, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 9,5%. Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 12,2% - công nghiệp, xây dựng 50% - dịch vụ 37,8%. GRDP bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,68 tỷ USD. Thu ngân sách 10.650 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa 7.850 tỷ đồng (tăng 60 tỷ đồng so với trung ương giao), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.800 tỷ đồng; chi ngân sách 7.616,2 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển 1.783,5 tỷ đồng, chi thường xuyên 5.623,1 tỷ đồng.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng các hoạt động y tế, giáo dục và đào tạo, duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,5%; tạo thêm việc làm mới cho 2,2 vạn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo 57%; tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 82,2%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%; tỷ lệ làng, khu phố văn hóa 87%, tỷ lệ gia đình văn hóa 90%.

III. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định và hướng dẫn của trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành; nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội.

2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 27/6/2016 của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng 2030; tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phấn đấu năm 2017 đạt cơ cấu tương ứng: Trồng trọt 43,2%, chăn nuôi, thủy sản 54,8%, dịch vụ nông nghiệp 2%. Đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thu nhập thấp sang mô hình nuôi trồng tổng hợp. Chuẩn bị tốt các điều kiện, nhất là giống, thủy lợi, vật tư nông nghiệp cho sản xuất. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các phương án phòng chống lụt, bão, úng, giảm nhẹ thiên tai và quản lý đê điều. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có thêm từ 20 - 24 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 16,6 tiêu chí/xã.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ rào cản bất hợp lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, tiến độ các công trình, dự án đang triển khai, khuyến khích các dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng lực sản xuất. Rà soát, chấn chỉnh, thu hồi những dự án chậm quá thời hạn, không thực hiện đầu tư.

4. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch phát triển thương mại quốc gia giai đoạn 2016-2020; Đề án phát triển thị trường trong nước và Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chú trọng vào khâu tổ chức và cung cấp thông tin thị trường; tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, hàng không nhãn mác, hàng giả, đầu cơ nâng giá.

5. Tăng cường quản lý thuế, chống thất thu, gian lận và nợ đọng thuế, quản lý chặt chẽ nhiệm vụ thu và nguồn thu, không để phát sinh nợ đọng thuế. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chây ỳ, không chịu nộp thuế. Tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên. Nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu. Chú trọng hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, tín dụng đối với các hộ nghèo, cận nghèo.

6. Triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Chủ động xây dựng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020. Huy động các nguồn lực xã hội và ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt hạ tầng giao thông. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cầu Giẽ - Ninh Bình; nâng cấp quốc lộ 38 đoạn qua tỉnh Hưng Yên. Phấn đấu hoàn thành các công trình: Đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.386 từ thị trấn Trần Cao đến bến phà La Tiến; các dự án xây dựng Cầu Khé, Cầu Tây, Cầu Bà Sinh; cơ bản hoàn thành dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp ĐT.382 (đường 199 cũ); triển khai thi công Dự án cải tạo nâng cấp đường ĐT.387 (Lương Tài-Bãi Sậy) và Dự án Đường nối vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình với QL.38B và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Dự án đường trục kinh tế Bắc - Nam. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ và đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để xây dựng đô thị Mỹ Hào sớm trở thành thị xã. Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật khác đối với các dự án, công trình ngay từ khi triển khai.

[...]