Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 15/2010/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 15/2010/NQ-HĐND
Ngày ban hành 30/08/2010
Ngày có hiệu lực 24/07/2010
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Chức
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2010/NQ-HĐND

Vĩnh Yên, ngày 30 tháng 8 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 20 (KỲ HỌP BẤT THƯỜNG)

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26-11-2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16-12-2002;

Căn cứ Quyết định số 145/2004/QĐ-TTg ngày 13-8-2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Chỉ thị số 751/CT-TTg ngày 03-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015;

Trên cơ sở Tờ trình số 105/TTr-UBND ngày 29/6/2010 của UBND tỉnh đề nghị quyết nghị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Tờ trình số 133/TTr-UBND ngày 30-7-2010 về việc điều chỉnh số liệu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và thảo luận,

Điều 1. Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 – 2015) cụ thể như sau:

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển.

a) Quan điểm:

- Phát triển toàn diện; lấy phát triển với tốc độ tăng trưởng cao nhưng phải hiệu quả và bền vững, tính hiệu quả phải được phản ánh qua các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

- Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc phải đặt trong quan hệ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với cả nước, với vùng Đồng bằng Bắc Bộ và trước hết là với vùng Thủ đô Hà Nội.

- Có bước đi hợp lý theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, từng bước phát triển hơn nữa khu vực dịch vụ. Công nghiệp hóa gắn liền với đô thị hóa một cách có kiểm soát, trật tự và bền vững.

- Phát triển kinh tế đi cùng với phát triển văn hoá - xã hội và bảo vệ môi trường; đồng thời với giải quyết tốt, có hiệu quả các vấn đề xã hội, xử lý phù hợp các quan hệ về lợi ích giữa các thành phần trong xã hội. Giảm tối đa chênh lệch mức sống giữa các khu vực dân cư; đảm bảo mọi người dân được tiếp cận thuận tiện với các dịch vụ xã hội.

- Phát triển kinh tế gắn chặt với củng cố quốc phòng, bảo vệ chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

b) Mục tiêu.

- Mục tiêu tổng quát:

Phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững. Đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ giàu, kiềm chế và đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2015: có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp; đến năm 2020 là tỉnh công nghiệp, trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, có những khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ này.

- Các chỉ tiêu chủ yếu:

* Về kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt khoảng 14-15%/năm, trong đó: Ngành công nghiệp - xây dựng tăng 16- 16,5%/năm; ngành dịch vụ tăng 14- 14,5%/năm; Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,0-3,5%/năm.

- Quy mô GDP (theo giá TT) đến 2015 đạt khoảng 85 nghìn tỷ đồng, tương đương 4-4,5 tỷ USD.

- Cơ cấu kinh tế: Phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọng công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 61-62%, dịch vụ chiếm khoảng 31-32% và nông lâm nghiệp thuỷ sản còn khoảng 6,5-7%.

- GDP (giá TT) bình quân trên người phấn đấu đến năm 2015 đạt khoảng 75 triệu đồng, tương đương khoảng 3.500- 4.000 USD.

- Tỷ lệ huy động tài chính vào ngân sách trên GDP (giá TT) hàng năm đạt khoảng 22-25%.

- Xuất khẩu: Phấn đấu đến năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,0-3,5 tỷ USD.

[...]