Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 751/CT-TTg năm 2009 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 751/CT-TTg
Ngày ban hành 03/06/2009
Ngày có hiệu lực 03/06/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 751/CT-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 – 2015

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến nay tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và khó lường. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế nước ta, đặc biệt trong các năm 2009, 2010. Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2011 – 2015 là rất nặng nề. Để khắc phục và giảm thiểu các tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu và thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 với những nội dung sau đây:

A. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 phải được xây dựng trên cơ sở tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 – 2010, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trên cơ sở dự báo tình hình thế giới, tình hình trong nước giai đoạn 2011 – 2015; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm phù hợp với mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 – 2020 và với điều kiện thực tế của nước ta. Những nội dung chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 gồm:

I. VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 – 2010:

Trên cơ sở báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010, báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng của các ngành, các cấp về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 theo ngành, lĩnh vực và khung theo dõi, đánh giá dựa trên kết quả tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 đã được phê duyệt; … các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước ước thực hiện kế hoạch năm 2009, dự kiến kế hoạch năm 2010, đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các mặt; trong đó đặc biệt chú trọng các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng nhân dân các cấp về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:

1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010, trong đó đặc biệt chú trọng đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tăng trưởng bền vững đi đôi với việc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

2. Các vấn đề đặt ra trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn; những kết quả thành tựu về tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành và nội bộ ngành, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu vùng kinh tế). Cần có các đánh giá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đầu tư phát triển do tác động trực tiếp từ việc hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó đánh giá tác động từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác.

3. Phân tích sâu về chất lượng tăng trưởng của từng ngành, địa phương; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu; việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên khoáng sản, dầu khí; chất lượng nguồn nhân lực; khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất – kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học và đổi mới công nghệ.

4. Các nội dung trong lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng tới việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, lĩnh vực khoa học, giáo dục – đào tạo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên, môi trường,…

5. Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước và tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, nguồn vốn từ khu vực dân cư, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các khoản viện trợ phi Chính phủ, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn tài chính doanh nghiệp. Tình hình, tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án lớn khác.

6. Trình độ công nghệ, năng lực sản xuất mới tăng thêm trong giai đoạn 2006 – 2010.

7. Cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch; công tác cải cách hành chính, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, chất lượng đội ngũ cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…

Khi đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, phải làm rõ được kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các Nghị quyết khác của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; kết quả thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010.

Đồng thời, phải làm rõ những tồn tại, yếu kém so với mục tiêu đã đề ra; làm rõ nguyên nhân thành công và chưa thành công, nguyên nhân khách quan và chủ quan; trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, để từ đó rút ra những bài học, kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển sắc tới của đất nước.

II. VỀ NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 – 2015.

Nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới. Những biến động của kinh tế thế giới sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011 – 2015 được xây dựng trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những yếu tố không thuận, trong giai đoạn 2011 – 2015 nước ta cũng có nhiều thuận lợi từ việc phục hồi và phát triển kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; bên cạnh đó, việc tái cơ cấu trong nội bộ nền kinh tế nước ta cũng sẽ tạo ra những điều kiện mới cho phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả, tính bền vững. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước được nâng cao hơn trước. Sự ổn định về chính trị - xã hội của đất nước là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

1. Mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 là phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; tăng cường tiềm lực phát triển của đất nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ; nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

2. Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:

a) Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 5 năm 2011 – 2015 tăng 7 – 8%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân giảm 2 – 3%/năm.

b) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng…, tháo gỡ các khó khăn thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển.

c) Khai thác và phát huy lợi thế, thế mạnh của các ngành, lĩnh vực, các vùng, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương; áp dụng công nghệ cao để giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển công nghiệp trên cơ sở đổi mới công nghệ; tạo bước tiến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số ngành và sản phẩm công nghiệp. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ giá trị cao, các ngành vận tải, thương mại, du lịch; mở rộng và nâng cao sức mua của thị trường nội địa.

d) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh hàm lượng công nghệ, giảm sức tiêu hao năng lượng và vật tư nguyên liệu trong sản phẩm.

đ) Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế đi đôi với tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước để làm tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người lao động.

e) Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước (vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý); xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các vùng kinh tế trọng điểm; hỗ trợ đầu tư nhiều hơn cho các vùng còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

[...]