NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2011
- 2015 TỈNH BẠC LIÊU
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 20
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét Tờ trình số 165/TTr-UBND ngày 26 tháng 11
năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Bạc Liêu; Báo cáo thẩm
tra của các Ban của Hội đồng nhân dân và ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5
năm giai đoạn 2011 - 2015 như sau:
1. Mục tiêu tổng quát:
Phấn đấu đạt
tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng,
hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, kết hợp hài hòa giữa phát triển
kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, phấn đấu đưa tỉnh
Bạc Liêu thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo vươn lên phát triển ngang bằng với
các tỉnh trong vùng; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực; tập trung đầu tư kết cấu
hạ tầng kỹ thuật, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quan
tâm phát triển hạ tầng đô thị, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, góp phần chuyển
dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm hợp lý các vấn đề an sinh xã hội; giữ vững ổn định
an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác cải
cách hành chính, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của tỉnh.
2. Nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch
5 năm:
a) Phát triển
hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị; tập trung đầu tư, nâng cấp kết cấu
hạ tầng đô thị thành phố Bạc Liêu và trung tâm các huyện. Quy hoạch lại kiến
trúc đô thị hai bên bờ sông, đường Nam Sông Hậu và một số tuyến đường mới của
thành phố Bạc Liêu, hình thành một số khu “Phức hợp cao tầng”, khu thương mại,
khu dân cư đô thị thành phố. Đầu tư mới và nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội,
các thị trấn trung tâm huyện lỵ và một số khu trung tâm, cụm kinh tế.
b) Khai thác lợi thế của từng tiểu vùng, sử dụng
hợp lý tài nguyên, chuyển kinh tế nông nghiệp của tỉnh từ tăng trưởng chủ yếu
theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Xây dựng, phát triển nông thôn
xanh, sạch, đẹp hài hòa với môi trường theo tiêu chí mới. Tiếp tục thực hiện
các chính sách về phát triển nông nghiệp và nông thôn, tập trung nguồn lực xây
dựng nông thôn mới theo tiêu chí của Chính phủ.
Trong đó, xây dựng huyện Phước Long trở thành huyện nông thôn mới theo tiêu chí
của Trung ương.
c) Phát triển
công nghiệp gắn với phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khuyến
khích thu hút đầu tư lấp đầy Khu công nghiệp Trà Kha; xin Chính phủ bổ sung vào
quy hoạch và đầu tư Khu kinh tế Gành Hào, Trung tâm nhiệt điện, Cảng biển Gành
Hào và một số dự án có quy mô lớn tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền
vững trong 5 năm tới.
d) Phát triển
kinh tế biển, với trọng tâm là phát triển Khu kinh tế Gành Hào, các dự án lớn
ven biển; các khu đô thị; hiện đại hóa khai thác, nuôi trồng thủy sản; phát triển
Khu du lịch dịch vụ Nhà Mát, du lịch sinh thái ven biển; phát triển một số cơ sở
đóng mới tàu thuyền, cơ khí phục vụ nghề biển.
đ) Ưu tiên
phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để có điều kiện
tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý và
công nghệ trong sản xuất và đời sống xã hội. Có chính sách thu hút trí tuệ và
nguồn lực của người Bạc Liêu ở trong và ngoài nước đóng góp cho sự phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
e) Chú trọng
huy động các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế; quan tâm thu hút nguồn
vốn ODA cho các dự án mà Bạc Liêu đang cần như: Bảo vệ và phát triển rừng ngập
mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xử lý rác thải đô thị, cấp
nước sạch,… trình Trung ương cho cơ chế đặc thù riêng cho tỉnh trên một số lĩnh
vực, tạo ra môi trường thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh hấp dẫn, tạo lòng
tin cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào tỉnh. Cải thiện cho được
chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, đạt mức trung bình so với các tỉnh trong
khu vực.
g) Sơ kết, tổng
kết, đánh giá những mặt được, hạn chế của việc lập và thực hiện các quy hoạch để
rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch, làm
cơ sở cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có tính khả thi cao.
h) Tiếp tục đẩy
mạnh công tác cải cách hành chính, từng bước hình thành nền hành chính hiện đại,
có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập. Cải
cách hành chính kết hợp với phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu lực,
hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
i) Xây dựng
và triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm và các vấn
đề an sinh xã hội; xây dựng chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh,
phát triển nhà ở xã hội; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nghèo. Cụ
thể hóa các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2011 - 2015 bằng kế hoạch
hành động và đề án để có căn cứ triển khai thực hiện.
k) Thực hiện
tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ
quan tư pháp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
3. Chỉ tiêu chủ yếu:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế
bình quân 5 năm 2011 - 2015: 13,5%/năm.
- Thu nhập bình quân đầu người
năm 2015 khoảng 38.862.000 đồng (Tương đương 2.100 USD).
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2015:
Nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản 36,4%; thương mại, dịch vụ 31,9%; công nghiệp
và xây dựng 31,7%.
- Kim ngạch xuất khẩu đến
năm 2015 đạt 380 triệu USD.
- Tốc độ tăng tổng thu ngân
sách bình quân 16%.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2015 là 13.450 tỷ đồng, trong 5
năm là 51.000 tỷ đồng; trong đó, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế là
74%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo
năm 2015 đạt 45%.
- Đến năm 2015 có 100% trường
đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; 30% trường tiểu học; 20% trường trung học
cơ sở và 17% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
- Mỗi năm giải quyết việc làm mới cho lao động trong độ tuổi 13.500 người.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng năm 2015 xuống còn 14%.
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên
đến năm 2015 là 1,12%.
- Có 7,5 bác sĩ/vạn dân và
25 giường bệnh/vạn dân.
- Đến năm 2012 có 100% xã đạt
chuẩn quốc gia về y tế.
- Số xã đạt chuẩn quốc gia về
xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 là 13/50 xã (Huyện Phước Long 100% xã đạt
19 tiêu chí); có 10/37 xã đạt 10/ 19 tiêu chí trở lên và các xã còn lại đạt
5/19 tiêu chí trở lên.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình
quân hàng năm từ 2 - 3%.
- Tỷ lệ hộ dùng điện năm
2015 đạt 98%.
- Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch
(Tiêu chuẩn Bộ Y tế) đạt từ 65% trở lên.
- Tỷ lệ thu gom rác thải tập
trung năm 2015 là 80%.
- Có 100% các khu, cụm công
nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện, khu dân cư mới hình thành có hệ thống xử lý
nước thải và chất thải đạt chuẩn.
- Xây dựng thành phố Bạc
Liêu đạt tiêu chí đô thị loại 2; hoàn thành tiêu chí đô thị loại 4 thị trấn Hộ
Phòng và Giá Rai để nâng lên thành thị xã.
4. Định hướng
phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu:
Cơ bản nhất trí với những định hướng
phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu được nêu trong báo cáo kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
5. Các giải pháp chính:
a) Tập trung triển khai quyết liệt
các dự án động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Các sở, ngành tỉnh phối với các Bộ,
ngành Trung ương có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án động lực thúc
đẩy phát triển kinh tế của tỉnh như: Khu kinh tế biển Gành Hào; Nhà máy nhiệt
điện; Cảng Gành Hào; Điện gió; Khu công nghiệp Trà Kha, Láng Trâm, Ninh Quới;…
đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp có tính đột phá thúc đẩy phát triển và
chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới; vì vậy, cần khẩn
trương lập các thủ tục để trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch chung của cả nước;
khi được chấp thuận thì tiếp tục triển khai các bước lập quy hoạch chung, quy
hoạch chi tiết, hoặc lập dự án đầu tư,… trình phê duyệt để có kế hoạch huy động
vốn đầu tư, kêu gọi thu hút đầu tư trong 5 năm 2011 - 2015.
b) Giải pháp huy động vốn.
Tổng nhu cầu đầu tư để thực hiện
kế hoạch trong cả thời kỳ 2011 - 2015 là 51.000 tỷ đồng, tăng bình quân
23%/năm, tương đương 34%/GDP. Trong đó, nhu cầu vốn ngân sách 13.000 tỷ đồng; vốn
huy động ODA và FDI ước 1.500 tỷ đồng, các dự án lớn dự kiến đầu tư trong thời
kỳ 20.000 tỷ đồng, các thành phần kinh tế ngoài khu vực kinh tế nhà nước
dự báo 16.500 tỷ đồng.
- Tích cực tranh thủ các Bộ, ngành
Trung ương để có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách
nhà nước đầu tư vào các dự án động lực, các lĩnh vực không có khả năng thu hồi
vốn như: Hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, xử lý nước thải và chất
thải đô thị các khu công nghiệp và các công trình có ý nghĩa xã hội quan trọng;
đi đôi với bố trí sử dụng các nguồn vốn một cách hiệu quả và tiết kiệm.
- Tập
trung huy động vốn tín dụng, vốn từ các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước,
vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư các công trình hạ tầng khu công nghiệp, khu du
lịch và các công trình kết cấu hạ tầng khác theo hình thức BOT, BT...
- Tiếp tục tranh thủ và mở rộng hợp
tác với các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, nhà đầu
tư là người Bạc Liêu đang sinh sống ngoài tỉnh nhằm thu hút đầu tư một số dự án
lớn có tính động lực thúc đẩy kinh tế phát triển; các dự án hạ tầng thiết yếu.
- Khai
thác và sử dụng tốt các nguồn vốn từ quỹ đất, quỹ nhà từ sở hữu nhà nước.
- Từ nguồn xã hội hóa: Chú trọng
thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực
như dịch vụ, y tế, giáo dục, thể thao và các dịch vụ giải trí khác.
- Củng cố hoạt động Quỹ đầu tư
phát triển của tỉnh để có nguồn lực huy động vốn tín dụng, bảo lãnh và hỗ trợ đầu
tư.
c) Phát triển nguồn nhân lực.
- Hoàn thành và triển khai thực hiện
quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020.
- Tổng kết, đánh giá để rút kinh
nghiệm tìm giải pháp khắc phục trong việc thực hiện Đề án Mê Kông 50, chính
sách thu hút nhân tài để thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý là
người Bạc Liêu trong và ngoài nước về tỉnh công tác. Thực hiện đào tạo và đào tạo
lại đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị kinh doanh đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế
quốc tế.
- Đào tạo nâng cao trình độ đội
ngũ giáo viên, giảng viên trong các trường dạy nghề, trường giáo dục nghề, nhất
là đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ cho Trường Đại học Bạc Liêu để đáp ứng nhu cầu đào
tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Thực hiện dạy nghề theo nhu cầu thị trường, theo địa
chỉ; từng cơ sở dạy nghề cần điều chỉnh lại cơ cấu nghề đào tạo phù hợp với yêu
cầu phát triển kinh tế của tỉnh gắn với giải quyết việc làm.
- Trong giai đoạn đầu kế hoạch 5 năm 2011 -
2015, nhanh chóng hoàn thành dự án đầu tư trường dạy nghề của tỉnh. Đầu tư nhanh trang thiết bị dạy nghề hiện đại cùng với việc củng cố đội
ngũ giảng viên trong các trường dạy nghề, để trong vài năm tới việc dạy nghề và
học nghề nhằm cung cấp cán bộ, công nhân lành nghề cho nhu cầu lao động nói
chung và các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh nói riêng. Nâng cấp Trường
Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật của tỉnh thành Trường Cao đẳng. Tập trung đầu tư,
hiện đại hóa Trường Đại học Bạc Liêu nhằm đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ
trình độ cao cho nhu cầu phát triển.
d) Phát triển khoa học, công nghệ.
Thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động
khoa học và công nghệ, xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển mạnh
hoạt động sự nghiệp khoa học và công nghệ sang cơ chế cung ứng dịch vụ phù hợp
với kinh tế thị trường; mở rộng sự tham gia của mọi thành phần kinh tế vào các
dịch vụ khoa học - công nghệ. Liên kết với các viện, các trường đại học, các
nhà khoa học trong và ngoài nước để thực hiện các đề tài, dự án khoa học. Phát
huy vai trò hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học, nghiên cứu các cơ chế
khuyến khích việc thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại tỉnh.
đ) Phân cấp quản lý.
Tiếp tục phân cấp mạnh hơn nhằm
nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật của các ngành, các cấp;
đặc biệt phân cấp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản phải thật rõ ràng minh
bạch, tránh chồng chéo, khép kín, hay buông lỏng quản lý. Tăng cường
phân cấp cho cấp huyện, cấp xã để giải quyết các yêu cầu của người dân một cách
nhanh chóng thuận lợi nhất. Hoàn thành và công bố công khai bộ thủ
tục hành chính; củng cố lại đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ trực tiếp giải
quyết các công việc với các doanh nghiệp và với dân, có đủ năng lực, phẩm chất
đảm đương công việc đã phân cấp quản lý.
e) Tăng cường hợp tác phát triển.
Nâng cao năng lực điều hành về hợp
tác đầu tư, thực hiện và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu
tư, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện hợp tác với thành phố Hồ Chí
Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh trong vùng. Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh
hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế; ưu tiên hợp tác thu hút những
lĩnh vực có yêu cầu trình độ, công nghệ cao mà tỉnh chưa tiếp cận được.
g) Vận dụng linh hoạt cơ chế chính
sách của Trung ương và đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách của tỉnh.
- Học tập và quán triệt các cơ chế
chính sách của Trung ương để vận dụng linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình
hình thực tế của tỉnh. Trình xin Chính phủ có cơ chế đặc thù cho tỉnh Bạc Liêu
trong một số lĩnh vực như: Mở rộng biên độ khống chế tốc độ tăng trưởng dư nợ
cho vay đối với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về
vốn; cơ chế hỗ trợ và đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; đấu giá quyền sử dụng
đất các dự án; cơ chế về tích tụ ruộng đất nông nghiệp phát triển trang trại;
chính sách thu hút đầu tư,...
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ
sung các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh đã ban hành như: Chính
sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, chính sách thu hút cán bộ, cơ chế một cửa liên
thông; quy chế phối hợp kiểm tra các cơ sở hoạt động văn hóa, y tế, an toàn
giao thông,... tạo môi trường thật sự thông thoáng để thu hút đầu tư.
h) Bảo đảm an sinh xã hội và các vấn
đề xã hội khác.
- Lập và triển khai các chương trình, đề án cho
giai đoạn 2011 - 2015 như: Chương trình giảm nghèo, tạo việc làm; chương trình
đào tạo nguồn nhân lực; chương trình phát triển nhà ở, đề án nhà ở xã hội;
chương trình xuất khẩu lao động,… cụ thể hóa các giải pháp thực hiện các mục
tiêu về an sinh xã hội.
- Hỗ trợ đầu
tư xây dựng kết cấu hạ tầng các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã ven biển, thực
hiện tốt chính sách hỗ trợ dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho người nghèo,
thanh niên nông thôn, người dân tộc và người tàn tật. Thực hiện chính sách hỗ trợ
cho mọi đối tượng nghèo có điều kiện thoát nghèo vươn lên làm giàu.
- Tiếp tục thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có
công với nước, công tác đền ơn đáp nghĩa. Phát triển kinh tế - xã hội, giảm
nghèo vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, có chính sách hỗ trợ phù hợp, chế độ
đào tạo theo cử tuyển, đào tạo cán bộ người dân tộc. Tiếp tục thực hiện tốt
công tác tín dụng lãi suất ưu đãi hộ nghèo; xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh
viên có điều kiện khó khăn.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đưa
văn hóa về cơ sở để vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa mới.
Tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
- Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động
văn hóa - thông tin, thể dục, thể thao nhằm động viên nhân dân, các tổ chức kinh
tế - xã hội tham gia xây dựng phát triển văn hóa, thể dục thể thao, đầu tư các
khu vui chơi giải trí. Khẩn trương đầu tư một số công trình chủ yếu như:
Khu triển lãm văn hóa - nghệ thuật của tỉnh, khu văn hóa huyện; hình thành một
số sân vận động đạt chuẩn thi đấu cấp vùng và sân thể thao ở trung tâm khu vực
nông thôn; đầu tư sân vận động và nhà thi đấu đa năng đạt chuẩn thi đấu cấp quốc
gia ở khu thể thao cũ của thành phố Bạc Liêu. Quy hoạch khu trung tâm thể dục
thể thao mới của tỉnh để đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.
- Xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phát
thanh - truyền hình kỹ thuật số; nâng cao dịch vụ bưu chính viễn thông, phổ cập
dịch vụ điện thoại và internet, đẩy mạnh phát triển mạng truy cập diện rộng, đảm
bảo các ứng dụng trên mạng, phát triển các dịch vụ phù hợp phát triển kinh tế -
xã hội.
- Tiếp tục thực hiện tốt giai đoạn II chiến lược
quốc gia về bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của
đời sống xã hội. Thực hiện có hiệu qủa các giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ
trong quản lý nhà nước, tham gia vào việc ra quyết định và lãnh đạo ở tất cả
các cấp và mọi lĩnh vực. Tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia về thanh niên,
giáo dục và đào đạo thế hệ thanh niên phát triển toàn diện, trở thành nguồn
nhân lực trẻ có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
i) Đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng,
an ninh; tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an
ninh nhân dân; không ngừng nâng cao sức chiến đấu của lực lượng vũ trang và
phát huy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc; thường xuyên nâng cao cảnh
giác cách mạng, chủ động ngăn ngừa và đối phó kịp thời với các tình huống phức
tạp; xử lý kịp thời những điểm nóng dễ phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội. Thực
hiện có hiệu quả chương trình phòng chống tội phạm, giảm thiểu tai nạn giao
thông.
Phối hợp tốt các lực lượng công
an, bộ đội biên phòng trong việc duy trì công tác bảo vệ an ninh trật tự xã hội
ở từng địa bàn. Quan tâm xây dựng và củng cố lực lượng dân quân tự vệ và dự bị
động viên. Kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với quốc phòng an ninh, phát huy
vai trò của lực lượng vũ trang tham gia phòng chống và khắc phục thiên tai.
Tiếp tục đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức
và nhân dân trong tỉnh, nhất là nhân dân khu vực nông thôn, vùng đồng bào tôn
giáo, dân tộc. Tập trung giải quyết tốt các vụ khiếu kiện, tranh chấp của nhân
dân. Kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, do động cơ cá nhân
hoặc do tiêu cực làm phát sinh khiếu kiện; đồng thời, xử lý nghiêm những trường
hợp lợi dụng quyền khiếu kiện, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
k) Xây dựng chính quyền, cải cách
hành chính.
Tập trung kiện toàn bộ máy các cơ quan hành
chính nhà nước; tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công
việc, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.
Thực hiện nghiêm túc công tác cải cách hành
chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của chính quyền
các cấp. Nâng cao về chất trong giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một
cửa và một cửa liên thông ở các cơ quan hành chính; xử lý nghiêm và đưa ra khỏi
bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, nhũng nhiễu trong
công việc được giao.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, kiên quyết các biện
pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hệ thống chính trị, nhất là trong
các cơ quan nhà nước theo tinh thần nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (Khóa X).
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ
chức triển khai thực hiện nghị quyết theo thẩm quyền.
Điều 3. Thường trực Hội đồng
nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám
sát việc thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị
quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc
Liêu khóa VII, kỳ họp thứ 20 thông qua./.