ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 145/KH-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
25 tháng 5 năm 2022
|
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT
SỐ 48/NQ-CP NGÀY 05/4/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN
GIAO THÔNG VÀ CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2022-2025
Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của
Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc
giao thông giai đoạn 2022-2025;
Thực hiện Kế hoạch số 147-KH/TU ngày 14/5/2014 của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 45-KLTW ngày 01/02/2012 của Ban Bí
thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí
thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật
tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn
tắc giao thông; Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh) ban hành Kế hoạch hành động
triển khai thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng
tâm của Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025,
cụ thể:
- Xây dựng, hoàn thiện các quy định liên quan đến
công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả
các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác
quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông, hỗ
trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn
giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các đề án, dự án
về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn
tỉnh. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy
hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị và nông thôn. Quản lý
chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới
hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường
học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và nhu cầu
vận tải trên địa bàn tỉnh.
- Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết
cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án giao thông trọng
điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ
tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm
tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép
qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm hành lang an toàn giao
thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
- Kiểm soát chặt chẽ điều kiện về an toàn kỹ thuật
và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực
trung tâm đô thị; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều kiện an toàn kỹ thuật và
bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa và điều kiện hoạt động
của các cảng, bến thủy nội địa.
- Đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần
vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ
thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải hành
khách công cộng trong đô thị và liên tỉnh nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cơ
giới cá nhân trong các đô thị lớn.
- Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn
và thân thiện môi trường cho các tổ chức, cá nhân, cung ứng hạ tầng,
phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả;
đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn
việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình,
kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về
giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo
đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực
lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
- Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn
nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn
giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham
gia giao thông.
b) Giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi
năm từ 5% đến 10%; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao
thông chính không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.
2. Yêu cầu
Kế hoạch hành động bảo đảm tính khả thi, phù hợp
với điều kiện thực tế của tỉnh, đáp ứng các yêu cầu tại Nghị quyết số 48/NQ-CP
ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025; huy động sự tham gia của cả hệ
thống chính trị, của toàn xã hội trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ
1. Yêu cầu chung đối với các sở, ban, ngành cấp
tỉnh; Công an tỉnh; Ban An toàn giao thông tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành
phố.
a) Đối với công tác tuyên truyền,
giáo dục về trật tự, an toàn giao thông:
- Tiếp tục triển khai thực hiện
hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an
toàn giao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua hệ thống thông
tin cơ sở theo Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 12/10/2020 của UBND tỉnh về việc
triển khai Đề án tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông
tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn
tỉnh Thanh Hóa.
- Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục,
phổ biến quy định pháp luật về an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông
và ô nhiễm môi trường, nhất là tuyên truyền, phổ biến các tiêu chí, hành vi văn
hóa giao thông; đồng thời, đưa các nội dung tuyên truyền vào sinh hoạt thường
xuyên của đơn vị. Tổ chức vận động xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân
thiện môi trường cho các tổ chức, cá nhân, cung ứng hạ tầng, phương tiện,
dịch vụ vận tải và tham gia giao thông.
- Nghiên cứu triển khai việc tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông qua các nền
tảng công nghệ thông tin, như: internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh,
các công cụ hình ảnh trực quan, các ứng dụng trò chơi.
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân sử
dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (đặc biệt tại các đô thị), góp
phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
b) Đối với việc nâng cao trách nhiệm của người đứng
đầu và tập thể lãnh đạo:
Tiếp tục triển khai, thực hiện Quy định trách nhiệm
của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác
đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được UBND
tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 28/01/2021.
2. Sở Giao thông vận tải
a) Triển khai kịp thời, có hiệu quả các Chỉ thị,
chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách,
trọng tâm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
b) Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các
nhiệm vụ được giao tại các đề án đã được phê duyệt, cụ thể: (1) Đề án chống ùn
tắc giao thông trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến
năm 2030 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2234/QĐ-UBND
ngày 11/6/2019; (2) Đề án tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường
tỉnh đến năm 2025 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số
2108/QĐ-UBND ngày 08/6/2020; (3) Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về
chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe đảm bảo an toàn giao
thông được Bộ Giao thông vận tải ban hành tại Quyết định số 2782/QĐ-BGTVT ngày
24/12/2018.
c) Phối hợp với các đơn vị liên quan huy động tối
đa các nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, tạo
thành mạng lưới giao thông hợp lý, kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, kết
nối các vùng, các trung tâm kinh tế động lực, trong đó ưu tiên xử lý các vị trí
điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã được Chủ tịch UBND
tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3134/QĐ-UBND ngày 05/8/2019. Tạo mọi điều kiện
thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như:
Đường bộ cao tốc Bắc Nam, tuyến đường bộ ven biển, đường từ Khu công nghiệp Bỉm
Sơn đến đường ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa…; một số dự án nâng cấp, cải tạo
đường tỉnh, cầu vượt sông và tuyến đường thủy nội địa.
d) Tăng cường công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao
thông và quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy
nội địa. Nghiên cứu báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải
tăng tỷ trọng vốn cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung
nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn kỹ thuật
phương tiện và người điều khiển phương tiện; rà soát, xử lý các điểm đen, điểm
tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội
địa trọng điểm vào năm 2022 - 2025, không để phát sinh các điểm đen mới.
đ) Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố có
tuyến đường sắt đi qua và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai, thực hiện
đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt
trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 02/6/2020 của Chủ tịch UBND
tỉnh về thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính
phủ về việc phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử
lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt; xây dựng lộ trình thực hiện để hoàn
thành việc xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trước năm 2030; tăng cường đầu tư
xây dựng hệ thống tự giám sát giao thông tại các giao cắt đường bộ với đường
sắt.
e) Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các
đơn vị liên quan lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào
các quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị và nông thôn.
g) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan lập phương
án đầu tư xây dựng hệ thống đường gom dọc tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường sắt.
h) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị
liên quan huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng
các trạm dừng nghỉ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của lái xe, hành khách, phương
tiện dọc các tuyến quốc lộ, đảm bảo người lái xe không quá 04 giờ theo quy định.
i) Đẩy mạnh
công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính
trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; thực
hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe trên
các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc kiểm soát tải trọng xe ngay
tại các đầu nguồn hàng (như: cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết
hàng hóa lên xe ô tô…). Cung cấp hồ sơ, kết quả xử lý phương tiện vi phạm về
tải trọng của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cho Sở Tài nguyên và Môi
trường làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định.
k) Tăng cường Thanh tra, kiểm tra an toàn kỹ thuật
của phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ;
thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kiểm định xe cơ giới trên địa bàn tỉnh;
tiếp tục kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về an toàn giao thông đối
với các đơn vị kinh doanh vận tải; tăng cường trích xuất thông tin từ thiết bị
giám sát hành trình, camera để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các
vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là các vi phạm về
luồng tuyến, tốc độ...
l) Trao đổi, chia sẻ thông tin với Công an tỉnh,
các sở, ngành, địa phương nhằm tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động đảm
bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; triển khai các quy định bắt
buộc đối với các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động
vận tải và tổ chức giao thông.
m) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương rà
soát các phương tiện thủy nội địa, tổ chức đăng ký, đăng kiểm, quản lý phương
tiện, cương quyết không để tồn tại các phương tiện thủy nội địa không đăng ký,
đăng kiểm hoạt động gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông; tham mưu
hướng dẫn các quy định về quản lý phương tiện thủy thô sơ, phương tiện được
miễn đăng ký theo quy định của pháp luật.
n) Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý phương tiện
thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo điều kiện an toàn hoạt
động khai thác, người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ
chuyên môn theo quy định, chở quá tải trọng, quá mớn nước.
o) Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, cấp giấy chứng
nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái
phương tiện thủy nội địa; trong đó có nghiên cứu đề xuất bổ sung các hình thức
đào tạo, thi, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên
môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và hỗ trợ chi phí cho các
đối tượng người dân ở vùng sâu, vùng xa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,
người dân thuộc hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.
p) Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại
trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, nhằm phục
vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, cụ thể: Hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch
cấp giấy phép lái xe được quản lý, giám sát trực tiếp dữ liệu hình ảnh camera
từ các Trung tâm sát hạch; triển khai sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống
giao thông để sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; triển khai quản
lý, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát thời gian quãng đường học
thực hành lái xe.
q) Ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thanh
tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; trong đó, tập trung đầu tư ứng dụng
công nghệ để giám sát, xử lý tình trạng sử dụng trái phép, phá hoại, làm hư
hỏng kết cấu hạ tầng giao thông ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường
bộ; giám sát hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chức năng khi
thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; hiện đại hóa
phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm soát, xử lý vi
phạm của lực lượng thanh tra giao thông khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực
bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
3. Công an tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên
quan tham mưu cho UBND tỉnh tham gia ý kiến xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ theo ý kiến của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an;
rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông cho phù hợp với tình hình mới; triển khai việc nộp
phạt qua tài khoản ngân hàng và ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào việc thực hiện quyết định xử phạt, giảm phiền
hà cho người vi phạm.
b) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên
quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng, triển khai Đề án “Củng cố, nâng
cao hiệu quả các mô hình tự quản trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 -2025”; tiếp tục triển khai
thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao của Đề án chống ùn tắc giao thông
trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được
Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 11/6/2019;
triển khai vận hành Trung tâm chỉ huy, hệ thống giám sát an ninh trật tự và an
toàn giao thông trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2538/QĐ-UBND, ngày
17/7/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án xây dựng
Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh
Hóa, giai đoạn 2017 - 2020.
c) Thực hiện đa dạng hóa phương thức tuyên truyền
về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng Công an nhân dân
trên mạng xã hội để theo kịp với xu hướng phát triển hiện nay, kịp thời tuyên
truyền, định hướng dư luận.
d) Triển khai giai đoạn 2 cơ sở dữ liệu dùng chung
phục vụ công tác bảo đảm trật, tự an toàn thông; kết nối chia sẻ dữ liệu của
Cảnh sát giao thông với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an để phục vụ công
tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và đáp ứng yêu
cầu Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 theo chỉ đạo của Bộ
Công an. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc thống kê tai nạn giao thông,
xây dựng cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông đường bộ trên cơ sở tích hợp số liệu
báo cáo tai nạn giao thông tại hiện trường, số liệu tai nạn, thương tích của cơ
sở cấp cứu và điều trị nạn nhân tai nạn giao thông.
đ) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả
công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông,
chống ùn tắc giao thông, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông gắn với phòng,
chống tội phạm của lực lượng Công an nhân dân; trong đó tập trung ứng dụng công
nghệ tự động để nhận diện, phát hiện lỗi vi phạm qua hệ thống camera giám sát
và xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông qua hình ảnh tại
các đô thị và trên các tuyến quốc lộ trọng điểm.
e) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông
vận tải trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các điểm giao cắt
giữa đường bộ và đường sắt.
g) Tăng cường năng lực, thường xuyên diễn tập chỉ
huy và phối hợp với các lực lượng khác trong công tác cứu hộ, cứu nạn đối với
các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên các tuyến giao
thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
h) Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; trong đó ưu
tiên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi điều khiển phương tiện vi
phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy và các chất kích thích khác, vi phạm quy định
tốc độ, lấn làn, sử dụng điện thoại di động, không thắt dây an toàn khi ngồi
trên ô tô, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; vi phạm quy định về an
toàn, kỹ thuật của xe, chở quá số người, quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng
xe; xử lý triệt để tình trạng xe quá niên hạn, xe quá hạn đăng kiểm, xe tự chế,
các loại xe không được phép lưu hành hoạt động trên các tuyến đường giao thông;
các hành vi tổ chức đua xe mô tô, ô tô trái phép.
i) Cung cấp hồ sơ, kết quả xử lý vi phạm về tải
trọng phương tiện của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cho Sở Tài nguyên
và Môi trường làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định.
4. Sở Y tế
a) Tiếp tục triển khai các văn bản pháp luật về phòng
chống tác hại của rượu, bia, ma túy, khi điều khiển phương tiện; phối hợp với
các đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra, xét nghiệm ma túy, chất kích thích
và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải.
b) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức
khám sức khỏe cho người lái xe và người học lái xe tại các cơ sở y tế trên địa
bàn tỉnh được cấp phép, xử lý nghiêm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi
phạm; phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện nghiêm công tác khám sức
khỏe định kỳ đối với lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, xét nghiệm ma
túy đối với toàn bộ lái xe được khám sức khỏe.
c) Thống kê số liệu nạn nhân thương tích do tai nạn
giao thông vào cấp cứu tại các cơ sở y tế và số liệu nạn nhân tử vong do tai
nạn giao thông từ hệ thống y tế cấp xã trở lên, trước ngày 20 tháng cuối cùng
hàng quý, cung cấp cho Ban An toàn giao thông các cấp.
d) Nâng cao năng lực các cơ sở y tế hiện có, đảm
bảo khả năng cấp cứu tai nạn giao thông theo quy định; đồng thời xây dựng mạng
lưới thông tin hiện đại, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân trong thời gian
không quá 30 phút kể từ khi nhận thông tin yêu cầu cấp cứu.
đ) Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong
việc xây dựng hệ thống cấp cứu y tế 115; đồng thời phát triển mô hình đội, nhóm
sơ cứu tai nạn giao thông bằng mô tô, xe gắn máy.
e) Tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng cứu hộ,
cứu nạn, sơ cấp cứu ban đầu cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng
cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Thanh tra giao thông, lái xe, các tình nguyện
viên và người dân sống dọc các tuyến đường.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố
chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức
về an toàn giao thông; phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh và các trường
học hàng năm tổ chức cuộc thi “Giao thông học đường” cho học sinh trung học cơ
sở và trung học phổ thông.
b) Tiếp tục triển khai bộ tài liệu
“Văn hóa giao thông” cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở và bộ
tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông” dành cho học sinh tiểu học. Đổi mới hình
thức, phương pháp giảng dạy, đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn vào
trong chương trình chính khóa, trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoài
giờ lên lớp cho học sinh, sinh viên.
c) Tăng cường phối hợp giữa gia đình,
nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh,
sinh viên; tiếp tục đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông
là một tiêu chí đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.
d) Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao
thông vận tải và chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn giao thông
khu vực trường học; tăng cường quản lý hoạt động đưa đón học sinh bằng xe buýt,
xe hợp đồng trên địa bàn..
6. Sở Xây dựng
a) Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường chấn
chỉnh công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.
b) Trong quá trình thẩm định quy hoạch xây dựng,
điều chỉnh quy hoạch xây dựng lồng ghép nội dung bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông vào các quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị
và nông thôn; đồng thời, phải đảm bảo khả năng đáp ứng, kết nối giao thông đô
thị an toàn, không gây ùn tắc giao thông và đảm bảo xây dựng mới hoặc chỉnh
trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh
viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và đáp ứng nhu cầu vận
tải trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp
tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông
tin cơ sở đổi mới cách thức, xây dựng, chuyên trang, chuyên mục, tăng thời
lượng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách
pháp luật của Nhà nước và các quy định về công tác đảm bảo trật tự, an toàn
giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tuyên truyền vận động nhân
dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.
b) Tổ chức vận hành hoạt động Trung tâm Điều hành,
giám sát an toàn, an ninh mạng; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, bảo đảm
khả năng thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu về tình trạng hoạt động giao thông
theo thời gian thực hiện, cung cấp, hướng dẫn đi lại cho người tham gia giao
thông thông qua cổng thông tin trực tuyến.
8. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ
biến pháp luật và các quy định của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân
sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh về bảo đảm an toàn phương tiện quân
sự và chấp hành an toàn giao thông đến mọi quân nhân. Vận động nhân dân chấp
hành nghiêm pháp luật an toàn giao thông, đặc biệt là nhân dân khu vực biên
giới.
b) Nâng cao chất lượng huấn luyện và kiểm tra kỹ
năng nghề đối với người điều khiển phương tiện phù hợp với tính năng, chiến
thuật của từng loại phương tiện, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ và bảo đảm an
toàn khi tham gia giao thông. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào công tác quản
lý, sử dụng phương tiện quân sự, tăng cường công tác kiểm tra tình trạng kỹ
thuật phương tiện quân sự.
c) Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát quân
sự, kiểm tra xe quân sự, phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm tra,
kiểm soát xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tải trọng xe, thủ
tục hành chính các phương tiện tham gia giao thông; xử lý nghiêm các đối tượng
dùng giấy tờ giả, biển số giả của phương tiện quân sự để hoạt động trái pháp
luật, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội đối với người điều khiển phương tiện quân
sự khi tham gia giao thông.
d) Tăng cường huấn luyện, diễn tập cứu hộ, cứu nạn;
bảo đảm phương tiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Văn phòng thường trực phòng
thủ dân sự ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
đ) Bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng phương
tiện quân sự bảo đảm an toàn, độ tin cậy trong khi khai thác, sử dụng; đáp ứng
được yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ quân sự trong tình hình mới; tăng cường công
tác quản lý, sử dụng xe quân sự, phương tiện cá nhân nhằm bảo đảm trật tự an
toàn giao thông.
9. Sở Tài chính
a) Tiếp tục rà soát, tham mưu về huy động, quản lý
và sử dụng kinh phí trong và ngoài ngân sách cho công tác bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; đồng thời, tham mưu báo cáo
UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn cho các dự án xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn
giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các
huyện, thị xã, thành phố xây dựng dự toán chi thực hiện Kế hoạch, tổng hợp
chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm của các sở, ngành và UBND các huyện,
thị xã, thành phố để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
c) Tham mưu nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất kỹ
thuật, trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho Thanh tra chuyên ngành
giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được
giao; kinh phí quy hoạch, xây dựng các bến lưu giữ phương tiện vi phạm; kinh
phí đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các bến khách ngang sông ở khu vực có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
10. Sở Tư pháp
Phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan
rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.
11. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông
tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát việc quảng cáo rượu, bia theo
quy định của pháp luật. Việc quảng cáo rượu, bia phải gắn kèm nội dung cảnh báo
tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra tai nạn
nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
b) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Ban An toàn
giao thông tỉnh thường xuyên thực hiện chiến dịch tuyên truyền, vận động nhân
dân hiểu rõ những tác hại của chất kích thích đối với an toàn giao thông; gắn
Pano, áp phích tại khu vực các nhà hàng và trên các tuyến đường chính về hậu
quả tai nạn giao thông ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, gia đình, cộng đồng
và xã hội.
c) Đưa tiêu chí chấp hành quy định về đảm bảo trật
tự an toàn giao thông vào việc đánh giá, bình xét các danh hiệu "Khu dân
cư văn hóa", "Gia đình văn hóa" và đưa vào quy định trong Hương
ước, quy ước của thôn, phố.
12. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành tiêu chí
xây dựng kế hoạch phân bổ vốn cho các dự án đầu tư phát triển giao thông vận
tải thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm
môi trường nhằm tăng tính công khai minh bạch, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả
nguồn vốn.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và
các đơn vị liên quan huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng các trạm dừng nghỉ để
phục vụ nhu cầu thiết yếu của lái xe, hành khách, phương tiện dọc các tuyến
đường cao tốc, quốc lộ, đảm bảo người lái xe không quá 04 giờ theo quy định.
c) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND các
huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan huy động các nguồn lực đầu tư
xây dựng hệ thống đường gom dọc tuyến quốc lộ, đường tỉnh.
13. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp
tục rà soát, báo cáo UBND tỉnh bổ sung các tiêu chí thực hiện nhiệm vụ quản lý
nhà nước trong lĩnh vực an toàn giao thông để làm cơ sở đánh giá, xếp loại mức độ
hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
14. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tăng cường chỉ đạo các Doanh nghiệp khai thác
khoáng sản trên địa bàn tỉnh: (1) Thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết không
bốc xếp quá tải trọng lên phương tiện; tuân thủ các quy định của pháp luật có
liên quan trong việc khai thác khoáng sản theo quy định; chịu trách nhiệm trước
pháp luật nếu để xảy ra các vi phạm trong quá trình khai thác khoáng sản tại
khu vực mỏ đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản; (2) Phải lắp đặt đầy đủ
trạm cân, camera tại mỏ để ngăn không cho phương tiện chở quá tải trọng, quá
kích thước thùng hàng rời khỏi bãi ra đường theo quy định tại Điều 42 Nghị định
số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một
số điều của Luật khoáng sản.
b) Phối hợp với các lực lượng chức năng chấn chỉnh,
xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xe ô tô và phương tiện vận tải thủy nội địa
chở khoáng sản quá khổ, quá tải lưu thông trên các công trình giao thông.
c) Thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo
thẩm quyền đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác cát,
sỏi và khoáng sản khác trên hệ thống đường thủy nội địa.
d) Trên cơ sở hồ sơ, kết quả xử lý vi phạm về tải
trọng của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản do các ngành, địa phương cung
cấp, báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định.
15. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành
phố và các đơn vị liên quan đề xuất phương án quy hoạch chợ, siêu thị, trung
tâm thương mại tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị;
tiếp tục tham mưu đẩy mạnh công tác chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai
thác chợ; chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác di dời, xóa bỏ
các tụ điểm kinh doanh tự phát, ngoài quy hoạch, lấn chiếm lòng lề đường, hành
lang an toàn giao thông đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp.
16. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp Công an tỉnh và các sở,
ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong
công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
17. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa
Chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường các địa phương
tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc sản xuất và lưu thông các sản
phẩm, phụ tùng, linh kiện của phương tiện giao thông, mũ bảo hiểm cho người đi
mô tô xe máy... không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường.
18. Ban An toàn giao thông tỉnh
a) Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện kịp thời hiệu quả
các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác đảm
bảo trật tự, an toàn giao thông.
b) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị
liên quan rà soát các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao
thông trên các tuyến đường, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải bố trí
kinh phí để kịp thời khắc phục, xử lý dứt điểm.
c) Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ Ban An toàn giao
thông các huyện, thị xã, thành phố trong việc hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật
giao thông, khắc phục điểm đen tai nạn, sửa chữa đèn tín hiệu và các biện pháp
cần thiết khác nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
d) Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phối
hợp về tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, chống ùn
tắc giao thông và ô nhiễm môi trường với Đài phát thanh và truyền hình Thanh Hóa,
Báo Thanh Hóa, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động
tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm vận động toàn dân xây dựng văn hoá
tham gia giao thông an toàn và thân thiện môi trường. Tiếp tục sử dụng đường
dây nóng, mạng xã hội để tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức
về an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt,
đường thủy nội địa.
đ) Triển khai “Năm an toàn giao thông”, “Tháng cao
điểm an toàn giao thông” và tuyên truyền vào dịp Tết, lễ, hội theo chuyên đề cụ
thể.
e) Thực hiện kiện toàn và nâng cao năng lực của Ban
An toàn giao thông tỉnh và Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố.
f) Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và UBND các
huyện, thị xã, thành phố huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách tổ
chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân, thân nhân của nạn nhân gặp tai
nạn giao thông theo đúng quy định pháp luật.
g) Tiếp tục trang bị sách giáo dục văn hóa giao
thông cho thư viện các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh;
triển khai đến Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố triển lãm
ảnh tai nạn giao thông tại nơi công cộng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành
phố.
19. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Thanh Hóa
Tăng cường và nâng cao hiệu quả các chuyên mục,
chương trình, nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thường xuyên
phát sóng các thông điệp về an toàn giao thông; sắp xếp, bố trí thời gian phát
sóng chương trình an toàn giao thông vào buổi tối để thu hút người xem.
20. UBND và Ban An toàn giao thông các huyện,
thị xã, thành phố
a) Thực hiện rà soát, triển khai xử lý khắc phục
các công việc liên quan đến công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, như: xóa
bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; bổ sung hệ thống báo hiệu giao
thông đường bộ, đường thủy, vạch kẻ đường, lắp đặt đèn tín hiệu, đóng giải phân
cách trên địa bàn; có giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông trước cổng trường
học, bệnh viện, trung tâm thương mại ...; xử lý họp chợ trái phép, xây dựng lấn
chiếm hành lang an toàn giao thông; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng các
lối đi tự mở qua đường sắt, đường bộ, không để phát sinh các điểm đen mới, đề
xuất báo cáo nếu vượt thẩm quyền giải quyết.
b) Rà soát lồng ghép nội dung bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông vào các quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị
và nông thôn.
c) Rà soát, đề xuất các vị trí điểm đen, điểm tiềm
ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh qua địa bàn; bố trí
nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường địa phương trọng
yếu, các tuyến liên kết vùng, tuyến tránh đô thị.
d) Bố trí quỹ đất và nguồn lực đầu tư mạng lưới
giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông
công cộng...) theo quy hoạch; trong đó tăng cường công tác giám sát đầu tư và
ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe sử dụng công nghệ đỗ xe
thông minh, hiện đại.
đ) Tăng cường thực hiện công tác quản lý bảo trì
trên các tuyến đường được giao nhiệm vụ quản lý và các tuyến đường trên địa
bàn; kiểm tra phát hiện và có biện pháp xử lý sớm các hư hỏng của cầu, đường;
xóa ổ gà, nạo vét, khơi thông cống rãnh, phát quang tầm nhìn; giải quyết kịp
thời các trường hợp gây ách tắc giao thông nhằm đảm bảo giao thông và an toàn
giao thông trên tuyến.
e) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về
tình trạng xe tự chế, xe hết niên hạn, xe không được phép lưu hành, xe quá khổ,
quá tải trọng hoạt động trên các tuyến đường địa phương quản lý.
g) Chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương
tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn
giao thông, đặc biệt là vi phạm về xe quá khổ, quá tải trọng, tốc độ, nồng độ
cồn, ma túy, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe phù hợp,
không đội mũ bảo hiểm.
h) Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng
trên địa bàn, đảm bảo hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và đường thủy nội
địa; rà soát quy hoạch các khu chức năng (khu dân cư, khu đô thị, khu công
nghiệp - dịch vụ dọc theo các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh...) để kịp thời
điều chỉnh, đảm bảo quy hoạch đường gom, phương án điểm đấu nối theo quy định
của pháp luật; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan xây
dựng kế hoạch xử lý, giải quyết các tụ điểm kinh doanh tự phát, ngoài quy hoạch,
đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để xảy
ra tình trạng phát sinh các tụ điểm kinh doanh tự phát, ngoài quy hoạch.
i) Rà soát các khu sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhu
cầu của nhân dân địa phương, tuyệt đối không sử dụng trái phép lòng đường, vỉa
hè để tổ chức các hoạt động như đám ma, đám cưới, hoạt động văn hóa, thể thao,
lễ hội và các hoạt động có liên quan. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng
lòng đường, vỉa hè không vào mục đích giao thông thì phải xin phép các cơ quan
có thẩm quyền và phải có phương án tổ chức đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông.
k) Tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và kịp
thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, sử
dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ. Ứng dụng công nghệ để giám sát, xử
lý tình trạng sử dụng trái phép lòng, lề đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán,
trông giữ phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ và
mỹ quan đô thị.
l) Chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương kiểm
tra các bến khách ngang sông, đò ngang, đặc biệt là các bến tàu, các phương
tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội, các tầu cao tốc chở khách; chú trọng kiểm
tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm thiết bị cứu sinh và chở đúng số
người quy định, việc thực hiện phòng chống cháy nổ trên phương tiện thủy nội
địa. Kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi
phạm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, phương tiện không bảo đảm
điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, không trang bị đủ dụng cụ
cứu sinh, bến khách ngang sông không được cấp phép hoạt động, người điều khiển
phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ khả năng chuyên môn phù hợp.
m) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật về công tác quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè và hành lang an
toàn đường bộ và pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội
địa đến các tầng lớp nhân dân. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể bằng nhiều
hình thức, thường xuyên đổi mới nội dung để nhân dân hiểu được vai trò của công
tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường
bộ, qua đó nhận được sự đồng thuận của nhân dân; yêu cầu các tổ chức, cá nhân
tuyệt đối không tự ý sử dụng vỉa hè, lòng đường trái quy định để tổ chức các
hoạt động cộng đồng không phục vụ mục đích giao thông.
n) Vận động các đoàn thể chính trị xã hội trên địa
bàn nơi có đường sắt chạy qua phối hợp với ngành đường sắt tổ chức cảnh giới,
đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt.
o) Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về an toàn
giao thông, các tiêu chí, hành vi văn hóa giao thông trên các phương tiện thông
tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở; thực hiện “Năm an toàn giao thông”,
“Tháng cao điểm an toàn giao thông” và tuyên truyền vào dịp tết, lễ, hội theo
chuyên đề cụ thể; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tại các đô thị sử
dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
p) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an
tỉnh và các sở, ngành trong việc giáo dục an toàn giao thông trong trường học;
nâng cao an toàn giao thông khu vực cổng trường và các tuyến đường chính xung
quanh khu vực trường học; xây dựng mô hình “cổng trường an toàn”.
21. Đề nghị các tổ chức đoàn thể chính trị - xã
hội
a) Xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển
khai thực hiện chủ đề “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; đổi mới
hình thức và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh,
thiếu niên chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; tăng cường hướng dẫn kỹ
năng tham gia giao thông an toàn.
b) Tổ chức tập huấn công tác an toàn giao thông cho
cán bộ công đoàn cơ sở; thực hiện các chuyên đề tuyên truyền an toàn giao thông
cho công đoàn viên và quần chúng nhân dân.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thị xã, thành phố và các đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nội
dung Kế hoạch này ban hành kế hoạch hành động của ngành, địa phương, đơn vị
nhằm cụ thể hóa các nội dung của Kế hoạch hành động này; kế hoạch cần xác định
rõ mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và giải pháp cụ thể để tập trung chỉ
đạo và phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể thực hiện, đảm bảo
tiến độ; kịp thời tham mưu đề xuất những vấn đề phát sinh, trong quá trình thực
hiện ở địa phương, đơn vị; trước ngày 20 tháng cuối cùng hàng quý và ngày 15
tháng 12 hàng năm đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo về Ban An toàn
giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải.
2. Giao Văn phòng Ban An toàn giao
thông tỉnh là đầu mối, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan liên
quan thực hiện nghiêm có hiệu quả Kế hoạch này; kịp thời tham mưu, đề xuất giải
quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện với UBND tỉnh; định kỳ
hàng quý báo cáo với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và UBND tỉnh theo quy
định./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Mai Xuân Liêm
|