Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Kế hoạch 201/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới do Thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 201/KH-UBND
Ngày ban hành 09/10/2024
Ngày có hiệu lực 09/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Lê Quang Nam
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 201/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 09 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 23/CT-TTG NGÀY 26/7/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 23/CT-TTg); Kế hoạch số 9646/KH-BGTVT ngày 05/9/2024 của Bộ Giao thông vận tải về thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg; Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 4929/SGTVT-QLVTPTNL ngày 23/9/2024 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới đến các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố.

- Thiết lập trật tự, kỷ cương chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ của các tổ chức, cá nhân có liên quan; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

- Triển khai đồng bộ, quyết liệt, toàn diện, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý hoạt động vận tải đường bộ theo Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông[1]; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ ngay khi có hiệu lực thi hành.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; tập trung tuyên truyền sâu, rộng các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, hội nghị tập huấn,...

3. Tiếp tục siết chặt công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, khám sức khỏe đối với người lái xe. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác và chia sẻ cơ sở dữ liệu trong hoạt động kinh doanh vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ.

4. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tổ chức điều tra, truy tố, xét xử các vụ TNGT, nhất là các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

5. Tổ chức rà soát về tổ chức giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông tại các tuyến đường bộ trên địa bàn; kịp thời thực hiện công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông theo phân cấp quản lý. Nghiên cứu, rà soát đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu kỹ thuật trong tổ chức giao thông, quy hoạch bến xe phù hợp với tình hình thực tiễn.

III. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban An toàn giao thông thành phố:

- Chỉ đạo các ngành, thành viên Ban ATGT thành phố, Ban ATGT các quận, huyện quán triệt nội dung của Chỉ thị số 23/CT-TTg ; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT và triển khai các chương trình, hoạt động truyền thông theo kế hoạch với nội dung hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với các đối tượng, bảo đảm hiệu quả, thực chất; chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, khu dân cư...

- Tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các Kế hoạch của UBND thành phố về công tác bảo đảm TTATGT gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị, kịp thời báo cáo UBND thành phố đối với những đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện; trên cơ sở tổng hợp đánh giá kết quả triển khai, phát hiện kịp thời các bất cập, các vấn đề vướng mắc phát sinh, tham mưu chỉ đạo thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT đối với các quận, huyện có số người chết do TNGT tăng cao và tình hình TNGT diễn biến phức tạp để kịp thời chấn chỉnh.

2. Sở Giao thông vận tải:

- Thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại địa phương theo quy định (Điều 33 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và các sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP và Nghị định số 41/2024/NĐ-CP). Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tạo sự bình đẳng trong kinh doanh vận tải đường bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại các điểm xuất phát (bến xe, bến bãi, mỏ vật liệu, nhà máy, khu công nghiệp, đầu nguồn hàng.,.); xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi để xuất bến đối với xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lái xe không bảo đảm điều kiện điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải, thiếu các giấy tờ theo quy định, xe hợp đồng và du lịch hoạt động trá hình, sử dụng trụ sở công ty, văn phòng đại diện hoặc sử dụng các xe trung chuyển để đón khách sai quy định, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm khi nhận được cảnh báo các lỗi vi phạm từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình; quản lý chặt chẽ và kiên quyết thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố có nhiều vi phạm, để xảy ra TNGT nghiêm trọng (nếu có).

- Phối hợp với lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để xảy ra TNGT gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đến các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, các lái xe, chủ xe kinh doanh vận tải; trọng tâm là phổ biến Luật Trật tự, ATGT và Luật Đường bộ cùng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong hoạt động kinh doanh vận tải.

- Cập nhật cơ sở dữ liệu về đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện kinh doanh vận tải, các đơn vị thường xuyên vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng (Thuế, Công an, Y tế) để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ.

- Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông trên các tuyến đường Quốc lộ; thường xuyên phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện tổ chức rà soát các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT đường bộ và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên toàn bộ hệ thống các tuyến giao thông trên địa bàn thành phố để đề ra phương án, kế hoạch, lộ trình giải quyết khắc phục. Chỉ đạo, tổ chức khắc phục những bất cập về tổ chức hạ tầng giao thông khi có kiến nghị của các cơ quan, tổ chức đối với các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất theo các quy định hiện hành; phối hợp với cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng cấp Giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe. Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm, kiểm định phương tiện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe và công tác đăng kiểm phương tiện.

- Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố tăng cường tuyên truyền đến nhân viên, người lao động chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo TTATGT, cam kết và thực hiện các quy định pháp luật về TTATGT, cam kết không sử dụng lái xe dương tính với ma túy và các chất cấm khác theo quy định pháp luật, sử dụng lái xe đủ điều kiện, sức khỏe điều khiển phương tiện; đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải chấp hành nghiêm các quy định về tải trọng phương tiện, tải trọng của hạ tầng giao thông; đối với đơn vị vận tải hành khách phải chấp hành nghiêm về số người theo thiết kế của xe, chạy đúng lịch trình, hành trình tuyến đăng ký.

[...]