Kế hoạch 896/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 896/KH-UBND
Ngày ban hành 28/12/2021
Ngày có hiệu lực 28/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Vương Quốc Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 896/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 28 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018;

Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;

Căn cứ Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045;

Căn cứ Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1959/TTr-SNN ngày 14/12/2021.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với điều kiện thực tiễn tại tỉnh Bắc Ninh.

- Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn dịch bệnh.

2. Yêu cầu

- Các ngành, các địa phương chủ động, tích cực vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đơn vị cấp huyện, xã căn cứ vào điều kiện thực tiễn đề xuất, tham mưu cơ chế, chính sách, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu để phát triển sản xuất chăn nuôi bền vững, chuyên môn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

- Việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, mô hình phát triển chăn nuôi phải mang tính thực chất, hiệu quả, trọng tâm, sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; phát huy nội lực của các cơ sở chăn nuôi, khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển, liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đạt mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.

- Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Luật Chăn nuôi và chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững và hội nhập quốc tế.

- Nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, chế biến, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mức tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi trong giai đoạn 2021 - 2025 trung bình từ 0,8 - 1,0%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 0,5 - 0,8%/năm.

b) Giảm dần tổng đàn trâu, bò; phát triển đàn lợn và đàn gia cầm, ưu tiên phát triển sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh:

- Năm 2025: Tổng đàn trâu, bò 17.500 con, đàn lợn 300.000 con và đàn gia cầm 5,6 triệu con.

- Định hướng đến năm 2030: Tổng đàn trâu, bò 17.000 con (cải tạo nâng cao tầm vóc), đàn lợn 310.000 con (tăng số lượng đàn lợn trong trang trại) và đàn gia cầm 5,7 triệu con.

c) Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị vật nuôi; tăng sản lượng thịt hơi xuất chuồng và sản lượng trứng, sữa.

- Năm 2025: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng dự kiến đạt: Thịt trâu 190 tấn, thịt bò 1.400 tấn, thịt lợn 65.000 tấn, thịt gia cầm 18.500 tấn; sản lượng trứng, sữa dự kiến đạt: 300 triệu quả trứng, 1.400 tấn sữa.

- Định hướng đến năm 2030: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng dự kiến đạt: Thịt trâu 160 tấn, thịt bò 1.400 tấn, thịt lợn: 67.000 tấn, thịt gia cầm: 19.000 tấn; sản lượng trứng, sữa dự kiến đạt: 350 triệu quả trứng, 1.500 tấn sữa.

[...]