Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 15616/KH-UBND năm 2021 về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 15616/KH-UBND
Ngày ban hành 15/12/2021
Ngày có hiệu lực 15/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15616/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 15 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045;

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045;

Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển tại Văn bản số 4931/SNN- CNTY ngày 13 tháng 10 năm 2021; Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với các nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; bảo đảm toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm (ATTP); nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng trên cơ sở ứng dụng các khoa học, công nghệ trong sản xuất.

2. Tập trung phát triển những loại vật nuôi chủ lực của tỉnh (heo, gà); đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển chăn nuôi là ngành kinh tế chính trong cơ cấu ngành nông nghiệp, với sản phẩm chủ lực là heo và gà; chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo công tác bảo vệ môi trường. Tổ chức sản xuất chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm, kiểm soát tốt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn. Nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung theo hướng hiện đại, bền vững. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và chế biến sâu sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 4,0 đến 5%/năm; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân từ 3,5 đến 4,5%.

- Chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, hướng tới giảm tỷ trọng đàn heo xuống còn khoảng 40%, tăng tỷ trọng đàn gia cầm lên 52%, gia súc ăn cỏ lên 3%. Đến năm 2025, tổng đàn heo là 2,5 triệu con, sản lượng thịt xẻ đạt 364.000 tấn; đàn gia cầm (gà, vịt) duy trì ở quy mô 24 -27 triệu con (trong đó: Đàn gà khoảng 22-25 triệu con), sản lượng thịt xẻ đạt 160.000 tấn (trong đó: thịt gà là 138.000 tấn), sản lượng trứng đạt 1.415.000 ngàn quả. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt 526.800 tấn, trong đó: thịt heo chiếm khoảng 69%; thịt gia cầm chiếm khoảng 30%; thịt trâu, bò chiếm khoảng 1%.

- Tối thiểu 65% sản lượng sản phẩm chăn nuôi được tiêu thụ dưới hình thức liên kết; tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương trên 30%; tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt trên 65%.

- Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có hệ thống xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn theo đúng quy định đạt 97%; 100% trang trại chăn nuôi đạt điều kiện vệ sinh thú y.

- Tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 70% và 90%; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25% đến 30%.

- Duy trì 7 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên đàn gia cầm đã được chứng nhận; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đạt chuẩn OIE đối với bệnh Cúm gia cầm, Newcastle trên đàn gia cầm tại các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Thống Nhất.

- Hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, thú y của tỉnh để tham gia vào chương trình chuyển đổi số.

- Trước ngày 01/01/2025, 100 % cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi phải ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời đến địa diêm phù hợp theo quy định.

b) Định hướng đến năm 2030

- Phát triển chăn nuôi heo theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất và đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn. Tổng đàn heo có mặt thường xuyên quy mô 2,5 triệu con, trong đó đàn heo nái khoảng 250.000 con; duy trì đàn gia cầm ở quy mô từ 24- 27 triệu con.

- Chuyển đổi số dữ liệu về chăn nuôi, thú y để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chia sẻ, kết nối tiêu thụ, lưu trữ và tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn.

- Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và các dịch bệnh có nguy cơ lây sang người, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nước và xuất khẩu.

- Khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế cho kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi.

- Nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung theo hướng hiện đại, bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 100%.

[...]